Tổ chức EURO 2016, Pháp kiếm bộn tiền

Đức An Thứ hai, ngày 27/06/2016 13:00 PM (GMT+7)
Trước và trong EURO 2016, Pháp đối diện với rất nhiều sức ép từ đình công, nguy cơ khủng bố cho tới tình trạng bạo loạn cả ngoài đường phố lẫn trên khán đài. Nhưng xét trên khía cạnh kinh tế, việc là chủ nhà của EURO 2016 sẽ giúp Pháp kiếm bộn tiền.
Bình luận 0

Khi quyền đăng cai EURO 2016 được trao cho Pháp, cả châu Âu không ai phàn nàn bởi Pháp đã quá quen với những sự kiện lớn. Tuy nhiên, vụ khủng bố diễn ra hồi cuối năm 2015 tại Paris đã khiến EURO 2016 bị đặt một dấu hỏi lớn về an ninh. Trước tình hình đó, giới chức Pháp liên tục lên tiếng khẳng định, có thể kiểm soát tình hình và nước Pháp vẫn đủ sức tổ chức thành công EURO 2016.

img

Tổ chức EURO 2016 giúp Pháp thu lãi lớn. Ảnh: STRAITSTIMES

Theo nghiên cứu của Trung tâm Luật và Kinh tế thể thao Limoges (CDES), EURO 2016 sẽ tạo ra dòng ngoại tệ lên tới khoảng 1,3 tỷ euro chảy vào nước Pháp. Cạnh đó là khoảng 200 triệu euro tiền thuế từ các hoạt động kinh tế liên quan đến EURO.

Động thái này không quá khó hiểu bởi EURO 2016 đem lại cho nước Pháp rất nhiều thứ. Trong đó, đáng kể nhất là kinh tế. Điều này nghe qua có vẻ vô lý bởi các giải đấu lớn gần đây, chủ nhà đều báo lỗ. Năm 2010, sau khi “cơn bão” World Cup tràn qua, Nam Phi chỉ thu lại 510 triệu USD trong khi đất nước của những viên kim cương đã chi tới 4,7 tỷ USD xây mới sân vận động, nâng cấp nhiều công trình.

Năm 2012, Ukraine và Ba Lan thậm chí còn lỗ khủng khiếp hơn. Tổng cộng, hai quốc gia chủ nhà EURO 2012 phải bỏ ra tới 44,5 tỷ USD, tập trung xây mới, nâng cấp các sân vận động, công trình giao thông. Dù vậy, cả hai chỉ thu về vỏn vẹn 750 triệu USD. Năm 2014, Brazil chi 11 tỷ USD để tổ chức World Cup nhưng chỉ thu lại được 3,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, Pháp không giống Nam Phi, Ukraine, Ba Lan hay Brazil. Chi phí duy nhất mà Pháp phải bỏ ra là đảm bảo an ninh. Với hơn 100.000 cảnh sát và nhân viên an ninh, số tiền thù lao chắc chắn sẽ không nhỏ. Bù lại, Pháp gần như không phải ném tiền để xây mới các sân vận động hay hệ thống giao thông. 10 sân đấu tổ chức EURO đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, hạ tầng giao thông ở Pháp thuộc loại hiện đại nhất châu Âu và dĩ nhiên nhà chức trách chỉ việc khai thác.

Lợi nhuận từ EURO 2016 là điều có thể dự báo trước và ngành du lịch, dịch vụ chắc chắn sẽ là mũi nhọn. Theo con số thống kê, du lịch và dịch vụ chiếm tới gần 80% GDP của Pháp. Tại các giải đấu thể thao lớn, du lịch luôn là ngành được hưởng lợi đầu tiên. Năm nay, EURO có tới 24 đội tham dự thay vì 16 đội như trước đây. Thêm 8 quốc gia được góp mặt tại EURO đồng nghĩa với việc nước Pháp có cơ hội đón thêm rất nhiều khách quốc tế.

Ước tính, trong thời gian diễn ra EURO 2016, sẽ có khoảng 2,5 triệu lượt khách nước ngoài đến Pháp. Chắc chắn trong số này không ai đến nước Pháp chỉ để xem bóng đá. Quốc gia này có bờ biển dài hơn 2.000 km, rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo, nghệ thuật ẩm thực đa dạng. Đi kèm với đó là hàng nghìn tour du lịch ngắn ngày có thể giúp du khách tận hưởng cuộc sống trong những ngày không bóng đá.

Ngoài ra, ngành công nghiệp cá cược cũng góp phần giúp Pháp “móc túi” được du khách. Ở một giải đấu lớn như EURO, sẽ thật nhạt nhẽo nếu không tìm đến các hãng cá cược để thử vận may hay nghĩ về một cuộc đổi đời như nhiều cổ động viên Leicester City. 30 ngày tranh tài sôi nổi cùng 51 trận đấu, số tiền thu được chắc chắn sẽ không nhỏ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem