Tổ công tác của Thủ tướng thông tin “nóng” về gỡ vướng các dự án bất động sản
Tổ công tác của Thủ tướng thông tin “nóng” về gỡ vướng các dự án bất động sản
Thái Nguyễn
Thứ bảy, ngày 06/05/2023 12:44 PM (GMT+7)
Tổ công tác “gỡ khó” bất động sản của Thủ tướng cho biết nguyên nhân cơ bản của các khó khăn, vướng mắc mà dự án bất động sản đang gặp phải chủ yếu do trước hết là về mặt thể chế, vướng mắc về pháp luật của các dự án bất động sản.
Tại cuộc họp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đại diện cho Tổ công tác "gỡ khó" bất động sản của Thủ tướng đã thông tin về kết quả gỡ vướng các dự án bất động sản.
Cụ thể, Tổ công tác sau khi làm việc với các địa phương, rà soát tại 180 dự án ở TP.HCM, 170 dự án ở thành phố Hà Nội, 75 dự án ở Đà Nẵng, 65 dự án ở Hải Phòng, 79 dự án ở thành phố Cần Thơ. Tổ công tác đã nhận được 71 văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến 121 dự án bất động sản.
Cùng với đó, Tổ công tác đã sàng lọc và có văn bản gửi các địa phương những dự án thuộc nội dung tháo gỡ thuộc thẩm quyền của địa phương, cũng như gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến các nội dung vướng mắc về lĩnh vực đầu tư, đất đai. Trên cơ sở đó để các địa phương cũng như Bộ ngành tập trung hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ ngay từng dự án. Các địa phương đang tích cực triển khai rà soát, tháo gỡ để thúc đẩy các dự án này sớm triển khai trở lại trong thời gian tới.
Về kết quả tại một số địa phương, đối với TP.HCM đang rà soát để tháo gỡ 30 dự án cụ thể. Trên cơ sở rà soát, nổi lên 30 nội dung vướng mắc, trong đó có 10 nội dung liên quan đến nhà ở xã hội, 10 nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ, 4 nội dung liên quan đến quy hoạch và 3 nội dung liên quan đến đầu tư và đấu thầu, 2 nội dung liên quan đến đất đai.
Đối với Đồng Nai, rà soát có 7 dự án liên quan đến các tập đoàn lớn như Novaland, Hưng Thịnh, DIC. Khó khăn vướng mắc thứ nhất liên quan đến nội dung về quy hoạch, sự không phù hợp giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết và các dự án. Về vấn đề này, Tổ công tác đã thống nhất cùng UBND tỉnh và các doanh nghiệp để tháo gỡ. Theo đó, hiện nay tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045.
Ngoài ra, vấn đề khó nữa là dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Sau khi rà soát lại, hiện nay các quy định để dành quỹ đất nhà ở xã hội có từng giai đoạn, ví dụ giai đoạn từ 2006 - 2010 thì có Nghị định 90 của Chính phủ; giai đoạn 2010 - 2013 có Nghị định 71; giai đoạn 2013 - 2015 có Nghị định 188… Trên cơ sở đó, các dự án này sẽ được rà soát để có điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết nguyên nhân cơ bản của các khó khăn, vướng mắc mà dự án bất động sản đang gặp phải chủ yếu do trước hết là về mặt thể chế, vướng mắc về pháp luật của các dự án bất động sản.
Qua rà soát các dự án, Tổ công tác nhận thấy nổi lên vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư và pháp luật về nhà ở cũng như các luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, khó khăn tiếp nữa là về thực thi ở các địa phương chưa quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản và khó khăn liên quan đến nguồn lực tài chính ở các dự án bất động sản. Về vấn đề này, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp trong thời gian qua.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các nhóm vấn đề tồn tại thuộc thẩm quyền nhằm hoàn thành thủ tục pháp lí cho các dự án bất động sản. Đối với các sai phạm của doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư, xây dựng dự án bất động sản không đúng theo quy hoạch chi tiết 1/500 phải được khắc phục theo hướng bảo đảm đúng chỉ tiêu về hạ tầng, cây xanh, công trình công cộng…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ đây là việc hết sức cấp bách, phải tháo gỡ kịp thời để giải phóng nguồn lực từ các dự án bất động sản và vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, có thời hạn cụ thể, và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm trễ, gây thiệt hại về kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.