Ông Trương Thế Vân - Phó Chủ tịch Hội Thủy sản Trà Vinh cho biết, tổ hợp tác nuôi cá tra Trà Vinh là nhóm những nông hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ đầu tiên ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Đây là kết quả của Chương trình chuỗi cung ứng cá tra bền vững được triển khai thực hiện ở 3 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long gồm Tiền Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh, do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Quỹ Đời sống hoang dã Thế giới (WWF), Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH), Tổ chức GlobalGAP ở châu Âu, Công ty ANOVA Seafood Hà Lan tài trợ. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ cho nông dân, các nhà sản xuất thức ăn hoạt động theo chuỗi cung ứng tuân thủ các tiêu chuẩn, chứng nhận được quốc tế công nhận về sản xuất bền vững và bán cá tra đã chứng nhận cho khách hàng ở châu Âu.
Tại Trà Vinh, chương trình được triển khai tại 16 hộ nuôi cá tra tại 2 huyện Cầu Kè và Tiểu Cần, được thực hiện từ tháng 3.2011 đến tháng 1.2014, với tổng kinh phí hỗ trợ cho 16 hộ nông dân gần 1,9 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh đối ứng 688 triệu đồng. Những hộ nông dân này được Hội Thủy sản Trà Vinh phối hợp với nhà tài trợ hỗ trợ cho các nông hộ nuôi cá tra toàn bộ quy trình vận hành được kiểm soát chặt chẽ với sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên, thanh tra viên để giúp các nông hộ đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn GlobalGAP.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 110 hộ dân và 7 doanh nghiệp nuôi cá tra trên diện tích 120ha mặt nước. Sản lượng thu hoạch hàng năm đạt từ 25.000-30.000 tấn. Tuy nhiên, hầu hết các hộ nuôi có quy mô nhỏ, tự phát nên chưa áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn mang tính bền vững. Tổ hợp tác nuôi cá tra Trà Vinh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là mô hình để nhân rộng, đạt những yêu cầu để xuất khẩu cá tra sang các thị trường châu Âu, góp phần cải thiện và phát triển bền vững chuỗi ngành hàng cá tra tại Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.