Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch của các chuyên gia Nhật Bản tưởng chừng sắp xong, đoạn sông được làm sạch sắp đến ngày thả cá được, thì người Hà Nội lại chưng hửng bởi vụ xả nước hồ Tây cuốn trôi vi khuẩn có ích khiến chuyên gia Nhật đề nghị kéo dài dự án. Không lẽ việc hồi sinh sông Tô Lịch "bị dớp", luẩn quẩn thất bại hết lần này đến lần khác.
Đã có nhiều dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, song không dự án nào thành công.
Một người bạn hơn tuổi của tôi, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mạn Nhân Chính bây giờ, có lẽ là thế hệ người Hà Nội cuối cùng tính đến nay từng nhìn thấy dòng nước trong xanh có thật của sông Tô Lịch. Thời còn nhỏ những năm 1970, anh từng lội sông nghịch nước, vớt cá, vớt rong. Sông Tô Lịch lúc đó cũng đã tù túng, nhưng ít nhất nước đủ sạch để còn có cá bơi, trẻ con nghịch, để tưới vườn, chưa phải chịu ảnh hưởng của công cuộc đô thị hóa, công nghiệp hóa, với gánh nặng dân số và rác thải kinh khủng như ngày nay.
Nhắc đến sông Tô Lịch bây giờ có lẽ phần lớn mọi người nghĩ rằng đó là một mương nước thải, một dòng sông chết. Ít ai nhớ sông Tô có lịch sử cả nghìn năm, được ghi chép trong nhiều thư tịch, từng là dòng sông tấp nập trên bến dưới thuyền, là con đường thủy bận rộn nhiều thế kỷ trước. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng đây là con sông cổ, góp phần tạo nên "tứ giác nước" Thăng Long xưa - tức là các con sông hoặc nhánh sông tạo thành một tứ giác nước tự nhiên bao bọc đô thị Thăng Long cổ. Cứ theo sách vở thì mấy câu ca dao "Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh…" là có thật, cho đến tận cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 người Pháp lấp một phần sông từ cửa sông Hồng đổ vào, đoạn từ Cầu Gỗ đến Bưởi, để quy hoạch phố phường. Đoạn sông còn lại chút di tích ở phố Thụy Khuê, chạy tới cống ngầm ra Bưởi rồi ra sông Tô Lịch ngày nay, từ cả thế kỷ nay đã mất đi nguồn cấp nước tự nhiên từ sông Hồng đổ vào, và mấy thập kỷ qua trở thành một kênh nước đen.
Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch của Nhật Bản phải kéo dài vì vi khuẩn có ích bị cuốn trôi khi xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch.
Gần 14km sông hiện giờ mỗi ngày hứng 150.000 m3 nước thải từ 280 cửa cống trong thành phố đổ thẳng không qua xử lý. Từ mười mấy năm nay đã có không biết bao nhiêu dự án thí điểm làm sạch sông Tô, song không dự án nào thành công, dòng nước vẫn đen kịt, ô nhiễm nặng, cặn lắng bùn lầy dày đặc, bốc mùi hôi thối.
Công bằng mà nói thì thành phố đã làm được việc kè bờ, chống lấn chiếm, nhiều đoạn sông nhìn quang quẻ hơn hẳn, nhưng chẳng nhẽ với công nghệ của thế kỷ 21, chúng ta vẫn không thể làm sạch được dòng sông? Nếu không có nguồn nước tự nhiên từ sông Hồng, sông Tô Lịch không thể trong mát nước chảy cuồn cuộn như xưa, nhưng ít nhất nó không còn là dòng nước đen bẩn thỉu nồng nặc.
Tại công nghệ hay tại không đủ quyết tâm, tại người ta không muốn làm đến nơi đến chốn, hay còn những điều gì chưa rõ đằng sau mỗi dự án? Như trường hợp dự án đang diễn ra của các chuyên gia Nhật, khi chỉ còn vài ngày nữa là có kết quả thử nghiệm, thì Công ty thoát nước quyết định xả nước từ Hồ Tây để hạ mực nước hồ, cuốn trôi luôn cả kết quả. Bên nào cũng nói mình đúng, chưa rõ thế nào, nhưng chẳng nhẽ cứ trống đánh xuôi kèn thổi ngược, mỗi bên một phách mà không thể phối hợp với nhau – điều không chỉ xảy ra với dự án làm sạch sông Tô Lịch mà còn với nhiều việc khác.
Nhiều chuyên gia nói rằng việc làm sạch nước sông chỉ là phần ngọn. Phần gốc phải là ngăn nguồn nước ô nhiễm đổ vào sông Tô Lịch hàng ngày, con sông nhận nước thải phải là nước đã qua xử lý. Dự án xử lý nước thải tập trung bàn ra tính vào rồi để đó, việc xử lý nước thải ở nhiều công ty, xí nghiệp, bệnh viện không được làm tốt, ý thức người dân thay đổi rất ít, dòng sông hứng hết hộ con người.
Nước được xả từ hồ Tây vào sông Tô Lịch từ ngày 9/7 đến 11/7.
Chưa hết, một tư duy quản lý đô thị kiểu cũ vẫn cứ được duy trì đến tận bây giờ với đề xuất cống hóa sông Tô Lịch. Bê tông hóa thành phố đến như thế này vẫn chưa đủ hay sao? Hà Nội ngày càng thiếu không gian xanh, thiếu những hồ điều hòa tự nhiên, những công trình bê tông, sắt thép đã hoàn toàn lấn át thiên nhiên.
Đã có nhiều bài học về phát triển tương tự ở các thành phố lớn trên thế giới, sông Thames của London (Anh), sông Singapore của quốc đảo Sư tử, sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc) cũng từng ô nhiễm nặng nề, nhưng từ 50 năm hay gần nhất cũng 30 năm trước, các thành phố trên đã thay đổi chính sách, hành vi, hồi sinh các dòng sông một cách kỳ diệu.
Chẳng lẽ sông Tô Lịch, một dòng sông gắn với lịch sử, văn hóa, giao thương của thủ đô nghìn năm tuổi như thế mà chúng ta đang tâm để cho chết hẳn? Tri thức dân gian cho rằng khi một cộng đồng dân cư gắn với nguồn nước thì cũng có nghĩa là gắn với sự giao lưu, phát triển, với nguồn sống. Chẳng lẽ với sông Tô Lịch, người Hà Nội không thể hát câu “Chảy đi sông ơi”, mà cứ điềm nhiên, lặng lẽ chấp nhận “một dòng sông đã qua đời”?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.