Toạ đàm kết nối tiêu thụ nông sản: Nâng giá trị nông sản từ quy trình, chế biến đến logictics

Thu Hà Thứ tư, ngày 16/06/2021 21:54 PM (GMT+7)
Tại tọa đàm các đại biểu cho rằng, để thông thương nông sản một cách thuận lợi nhất, người nông dân không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả quy trình, tâm huyết, cả văn hoá, tâm hồn người Việt vào trong sản phẩm đấy, từ đó nâng cao giá trị nông sản.
Bình luận 0

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đánh giá cao sự phối hợp kết nối tiêu thụ nông sản giữa Bộ NNPTNT, Hội NDVN, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.

Từ sự phối hợp này, T.Ư Hội ND đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn, các doanh nghiệp… xây dựng mạng lưới kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đây là hoạt động tiếp nối của Hội trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ nông dân.

Nâng giá trị nông sản từ quy trình, chế biến   đến logictics - Ảnh 1.

Khách hàng chọn ổi tại cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân ở 33 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Ảnh: T.Q

"Từ Đại hội Hội NDVN lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) đến nay chúng tôi đã thực hiện quyết liệt việc này. Đến nay, Hội NDVN đã xây dựng được hệ thống hơn 700 cửa hàng nông sản của Hội ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Những cửa hàng nông sản này giới thiệu, bày bán, quảng bá, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản an toàn, nông sản VietGAP.

Từ hiệu quả của các cửa hàng mang lại, có những cơ sở Hội đã chỉ đạo xây dựng các gian hàng giới thiệu nông sản đến tận chi hội nông dân" - ông Phạm Tiến Nam cho hay. 

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Đối với các dự án Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang chuyển giao, yếu tố đầu tiên chúng tôi quan tâm là làm thế nào để nông dân sản xuất an toàn, học hỏi được các quy trình công nghệ, bài học kinh nghiệm để mô hình được chia sẻ lan toả.

Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống khuyến nông từ T.Ư đến địa phương đã xây dựng được nền sản xuất an toàn, sạch, đảm bảo chất lượng cao nhất. Còn về phía bà con nông dân, họ cũng rất mong muốn khi đã sản xuất an toàn, sạch thì sẽ kết nối tiêu thụ được sản phẩm đó đúng với giá trị mà sản phẩm đó mang lại.

"Muốn đạt được điều này, thì cần sự minh bạch của thị trường. Nếu thị trường không minh bạch thì rất khó khuyến khích nông dân làm theo tiêu chuẩn. Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với doanh nghiệp, nhà cung ứng, cung cấp các địa chỉ sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng. Ở đây, chúng tôi mong muốn người nông dân không chỉ bán một vài sản phẩm, mà là bán cả quy trình, tâm huyết trong đó" - ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh. 

Đồng tình với lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội NDVN Phạm Tiến Nam nhấn mạnh: Để thông thương nông sản một cách thuận lợi nhất, người nông dân không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả quy trình, tâm huyết, cả văn hoá, tâm hồn người Việt. 

"Tôi lấy ví dụ, vừa rồi có doanh nghiệp làm chương trình con đường nông sản giới thiệu sản phẩm mận hậu Sơn La. Nhờ xây dựng thương hiệu mận hậu Sơn La có giá trị rất cao, bán 100 tấn với giá 300.000 đồng/kg"- ông Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, việc kết nối tiêu thụ còn cần nhiều yếu tố. Cùng với hỗ trợ người nông dân nâng cao nền tảng sản xuất cũng cần quan tâm nâng cao năng lực chế biến, logictics.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem