Trưởng Đoàn 4 nước thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế.
TUYÊN BỐ THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH
An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực
trong bối cảnh biếnđổi khíhậu ở Lưu vực sông Mê
Công
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 4 năm
2014
Lời nói đầu
1.Chúng tôi, những người đứng đầu Chính phủ Vương quốc
Campuchia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
gặp nhau tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Uỷ hội sông Mê Công quốc tế tổ chức tại Thành phố Hồ Chí
Minh, Việt Nam.
2.Chúng tôi một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc sử
dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của Lưu vực sông Mê Công và
tiếp tục khẳng định cam kết chính trị trong việc thực hiện Hiệp định Mê Công năm 1995 và củng cố
tinh thần hợp tác Mê Công.
3.Chúng tôi ghi nhận việc phát triển tài nguyên nước lưu vực
sông Mê Công đã góp phần to lớn vào phát triển kinh tế xã hội của khu vực, như trong giao thông
thủy, sản xuất năng lượng và lương thực, nhưng cũng gây nên các tác động tiêu cực đến môi trường và
xã hội Lưu vực và cần được giải quyết một cách triệt để và hiệu quả.
4.Chúng tôi nhận thấy biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu có
ảnh hưởng tới kinh tế và sinh kế trên toàn Lưu vực sông Mê Công. Việc giảm nhẹ tác động và thích
ứng với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng và cần được tiến hành khẩn trương.
5.Chúng tôi nhắc lại các hành động ưu tiên và các cam kết của
Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, bao gồm việc thông qua và thực hiện
Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước, thực hiện Kế hoạch Chiến
lược của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế giai đoạn 2011-2015, và xác định các cơ hội và rủi ro đối với
an ninh lương thực và sinh kế, bao gồm vấn đề thuỷ điện, thủy lợi, thủy sản, giao thông thủy, quản
lý lũ và hạn, quản lý lưu vực, du lịch và môi trường trong đó có quản lý hệ sinh thái trong Lưu
vực.
6.Chúng tôi tái khẳng định cam kết mạnh mẽ tiếp tục hợp tác
và thúc đẩy phát triển bền vững Lưu vực Mê Công và trong sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước
và các tài nguyên liên quan, và nhất trí với các tuyên bố sau:
Những thành tựu đạt được kể từ Hội nghị Cấp cao lần thứ
nhất Uỷ hội sông Mê Công quốc tế
7.Chúng tôi, những người đứng đầu các Chính phủ,ghi
nhận tiến bộ và các thành tựu đạt được trong bốn năm qua kể từ Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất Uỷ hội
sông Mê Công quốc tế.
8.Kể từ khi thông qua Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên
Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế năm 2011, chúng tôi ghi nhận và
đánh giá cao nỗ lực mạnh mẽ của các Quốc gia thành viên Uỷ hội sông Mê Công quốc tế và Ban Thư ký
Ủy hội trong xây dựng các Kế hoạch hành động của Vùng và Quốc gia nhằm thực hiện Chiến lược, đồng
thời góp phần hỗ trợ cho các kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của các Quốc gia thành viên.
9.Chúng tôi ghi nhận việc tiếp tục mở rộng thực hiện Thủ tục
Thông báo, Tham vấn trước và Thoả thuận (PNPCA) nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các
đề xuất dự án phát triển tài nguyên nước trong Lưu vực Sông Mê Công.
10.Chúng tôi vui mừng ghi nhận việc phê chuẩn Thủ tục Chất
lượng Nước đầu năm 2011 đã góp phần hoàn thiện bộ các Thủ tục Sử dụng nước của Uỷ hội sông Mê Công
quốc tế, cung cấp một khuôn khổ quy trình và kỹ thuật nhằm hỗ trợ các Quốc gia thành viên Uỷ hội
sông Mê Công quốc tế trong sử dụng bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của Lưu vực
Mê Công.
11.Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng và lợi ích của việc tiếp
tục trao đổi thông tin và số liệu giữa các Quốc gia thành viên theo quy định của Thủ tục Trao đổi
và Chia sẻ Thông tin Số liệu (PDIES) và đánh giá cao việc tăng cường hợp tác với các Đối tác Đối
thoại là Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma.
12.Chúng tôi ghi nhận các kết quả đạt được trong thực hiện
quá trình ven sông hoá của Ban Thư ký Uỷ hội với việc thực hiện thành công Chương trình đào tạo cán
bộ chuyên nghiệp trẻ ven sông và tăng số lượng cán bộ các quốc gia ven sông và chuyên gia quốc gia
làm việc tại Ban Thư ký Uỷ hội.
13.Với tầm nhìn Uỷ hội sông Mê Công quốc tế sẽ tự chủ tài
chính vào năm 2030 nhờ đóng góp của các Quốc gia thành viên, chúng tôi đánh giá cao và ghi nhận
công tác chuẩn bị của Uỷ hội cho việc thực hiện quá trình chuyển giao chức năng quản lý lưu vực
sông, được đề ra trong một lộ trình cấp vùng và bốn lộ trình quốc gia bao gồm các ưu tiên và các
cột mốc thực hiện.
14.Chúng tôi cảm ơn các Đối tác phát triển đã tăng cường hỗ
trợ về tài chính và kỹ thuật, giúp bảo đảm hoạt động của các Chương trình Uỷ hội sau năm 2015 và
giúp Uỷ hội chuẩn bị cho tự chủ tài chính vào năm 2030.
15.Chúng tôi cũng ghi nhận việc Uỷ hội sông Mê Công quốc tế
đã thiết lập quan hệ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ủy hội sông
Mít-si-si-pi, và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế để thúc đẩy hơn
nữa phát triển và quản lý bền vững tài nguyên nước lưu vực Mê Công.
16.Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả
đạt được của Hội nghị Quốc tế Mekong2Rio về Quản lý Lưu vực sông xuyên biên giới tổ chức ngày 1
- 3 tháng 5 năm 2012 tại Phu Kệt, Thái Lan, và Hội nghị Quốc tế về Hợp tác vì An ninh Nguồn
nước, Năng lượng và Lương thực ở Lưu vực sông xuyên biên giới trong bối cảnh Biến đổi khí hậu được
tổ chức ngày 2 -3 tháng 4 năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, đã mang lại cơ hội quý báu
để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm thế giới về phát triển và quản lý tài nguyên nước xuyên biên
giới.
Các cơ hội và thách thức của khu vực
17.Chúng tôi, những người đứng đầu Chính phủ, nhận thấy Uỷ
hội sông Mê Công quốc tế đang đứng trước cả những cơ hội và thách thức trong thập kỷ tới.
18.Những áp lực phát triển ngày càng gia tăng như tăng trưởng
dân số và phát triển kinh tế đang tạo ra nhu cầu về nước, lương thực và năng lượng ngày càng cao,
gây sức ép không nhỏ lên các nguồn tài nguyên của Lưu vực sông Mê Công. Đồng thời, khủng hoảng kinh
tế toàn cầu đã làm suy giảm mức độ đầu tư và tài trợ cho các chương trình của Ủy hội sông Mê Công
quốc tế. Yêu cầu đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm loại bỏ các nguy cơ ngày càng tăng đối với an ninh
lương thực và năng lượng, tăng trưởng và ổn định kinh tế đang là thách thức lớn đối với khu
vực.
19.Trong nỗ lực giảm thiểu tác động của thiên tai, chúng tôi
nhận thấy biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục thay đổi chế độ thuỷ văn trong Lưu vực, tác động đến tình
hình kinh tế và xã hội trong toàn Lưu vực.
20.Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác
phát triển bền vững trong Lưu vực sông Mê Công, chúng tôi sẽ xem xét thêm các cơ hội hợp tác mới
với các sáng kiến khu vực và quốc tế khác; tìm kiếm thêm các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các
Đối tác phát triển mới nhằm duy trì và đảm bảo tiếp tục thực hiện các hoạt động quan trọng của Uỷ
hội.
Các lĩnh vực hành động ưu tiên
21.Chúng tôi, những người đứng đầu các Chính phủ, mong muốn
Uỷ hội sông Mê Công quốc tế tập trung và ưu tiên thực hiện việc:
i.Đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghiên cứu của Hội đồng Uỷ hội
sông Mê Công quốc tế về "Phát triển và Quản lý bền vững sông Mê Công bao gồm những tác động của các
công trình thủy điện dòng chính", có sự phối hợp với Nghiên cứu do Việt Nam đề xuất để đưa ra các
khuyến cáo và các khuyến nghị phù hợp cho phát triển bền vững trong Lưu vực;
ii.Rà soát, cập nhật và thực hiện Chiến lược Phát triển Lưu
vực dựa trên Quản lý Tổng hợp Tài nguyên nước và Kế hoạch Chiến lược 2011-2015, chuẩn bị và thực
hiện Kế hoạch Chiến lược 2016-2020 của Ủy hội, góp phần định hướng phát triển hiện nay và trong
tương lai của Lưu vực;
iii.Phòng tránh, giảm thiểu và giảm nhẹ các rủi ro đối với hệ
sinh thái sông, an ninh lương thực, sinh kế và chất lượng nước do gia tăng hoạt động nông nghiệp,
ngư nghiệp, thủy lợi cũng như thuỷ điện, giao thông thủy và các hoạt động phát triển khác trong Lưu
vực, đồng thời nhận thức rằng các tác động của biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng các thách thức
này;
iv.Tiếp tục tăng cường hiệu quả thực hiện các Thủ tục của Uỷ
hội sông Mê Công quốc tế nhằm hỗ trợ thực hiện Hiệp định Mê Công năm 1995; cam kết thực hiện hiệu
quả các Thủ tục của Ủy hội nhằm đạt được các mục tiêu của Hiệp định;
v.Tìm kiếm và xác định các cơ hội mở rộng hợp tác với các Đối
tác Đối thoại, các Đối tác Phát triển hiện tại và các đối tác mới cũng như các sáng kiến hợp tác
khu vực và quốc tế;
vi.Tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên
tai trong lưu vực do lũ lụt, hạn hán, và tác động của nước biển dâng; giám sát và thực hiện các
giải pháp duy trì chất lượng nước tốt trong lưu vực sông Mê Công;
Định hướng tiếp theo
22.Chúng tôi, những người đứng đầu các Chính phủ tiếp tục
khẳng định tinh thần đoàn kết và cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện Hiệp định Mê
Công năm 1995.
23.Chúng tôi cam kết hợp tác nhằm tăng cường vai trò của Uỷ
hội sông Mê Công quốc tế trong đảm bảo áp dụng hướng tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước giúp
sử dụng bền vững và bảo tồn các nguồn tài nguyên nước, lương thực và năng lượng trong Khu vực.
24.Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc tăng cường
và đẩy mạnh quan hệ hợp tác của Uỷ hội với các Đối tác Đối thoại, các Đối tác Phát triển, các sáng
kiến vùng và quốc tế, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác; kêu gọi sự ủng
hộ và hỗ trợ cho Uỷ hội và các Quốc gia thành viên trong thực hiện các dự án và nghiên cứu về phát
triển bền vững ở Lưu vực sông Mê Công;
25.Chúng tôi cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Uỷ hội sông
Mê Công quốc tế tiếp tục chuẩn bị phân cấp các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông, nhằm
hướng tới tự chủ hoàn toàn về tài chính vào năm 2030.
26.Chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu tăng cường năng lực cho các
Quốc gia thành viên;
27.Chúng tôi nhất trí giao cho Hội đồng Uỷ hội sông Mê Công
quốc tế bảo đảm thực hiện hiệu quả Tuyên bố chung này thông qua các chương trình, dự án cụ thể;
Chúng tôi bày tỏlời cảm ơn chân thành tới Việt Nam là
quốc gia chủ nhà của Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế và hướng tới
Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Uỷ hội sông Mê Công quốc tế sẽ được tổ chức ở Campuchia vào tháng 4 năm
2018.
Tuyên bố được thông qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam,
ngày 05 tháng 4 năm 2014, bằng tiếng Anh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.