“Tội đồ” Galaxy note 7 khiến GDP quý I tăng thấp?

Trần Giang Thứ bảy, ngày 10/06/2017 08:45 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM, cho rằng một nguyên nhân quan trọng làm cho GDP của chúng ta tăng thấp trong thời gian vừa qua là do Samsung thu hồi Galaxy note 7 và chuẩn bị tung ra sản phẩm mới.
Bình luận 0

Tại phiên thảo luận ngày 9.6, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng về khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%. Hiện tại, với mức tăng trưởng GDP quý I năm 2017 chỉ ở mức 5,1% thấp hơn mức 5,5% của cùng kỳ năm ngoái và còn rất xa so với mục tiêu 6,7% của cả năm.

Với kết quả này, đòi hỏi Chính phủ cần tạo ra đột phá để trong 3 quý cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/quý, bảo đảm cả năm đạt 6,7%, đồng thời tạo đà cho năm 2018.

Khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nếu GDP không đạt 6,7%

Đại biểu Lê Thu Hà, đoàn Lào Cai đồng tình với Chính phủ là không chạy theo số lượng nhưng cần đặt cả 2 mục tiêu số lượng và chất lượng như nhau. Vì GDP là một trong 4 mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô đó là tăng GDP, ổn định giá cả, tăng việc làm, giảm thất nghiệp và tăng xuất khẩu.

“Nếu năm 2017 chúng ta vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì hai năm liền chúng ta không đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng và trong 3 năm còn lại sẽ khó khăn hơn”, đại biểu Hà phân tích.

Đại biểu Hà phân tích, nhìn xa hơn thì nếu trong 20 năm từ 2016 đến 2035 mà nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, để GDP đầu người tăng 6%/năm thì Việt Nam không còn cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

img

Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà, đoàn Lào Cai (Ảnh: QH)

“Do vậy, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020 là rất quan trọng đối với lộ trình 20 năm tới. Nếu không có nhân tố mới thì GDP năm 2017 chỉ tăng 6,2%. Như vậy, so với mục tiêu tăng 6,7% thì sẽ thiếu hụt 0,5%”, đại biểu Hà nhận định.

Đại biểu Hà cho rằng để có thêm 0,5% này, Chính phủ cần phải kích thích tăng tiêu dùng dân cư và đầu tư tư nhân thông qua các biện pháp mở rộng tín dụng tiêu dùng, tháo gỡ các thủ tục hành chính để thúc đẩy các công trình xây dựng đầu tư tư nhân, nhất là các thủ tục đầu tư xây dựng của doanh nghiệp.

“Đặc biệt, phải có các biện pháp giải ngân nhanh, đầu tư công trong năm 2017 bao gồm các dự bán BOT, BT, các dự án hạ tầng giao thông. Nếu hết Quý III.2017, chúng ta giải ngân được 70% vốn đầu tư trong năm thì tác động lan tỏa rất lớn trong Quý IV.2017”, đại biểu Hà phân tích.

“Tội đồ” Galaxy note 7?

Đại biểu Hà cũng chỉ ra điểm nghẽn của đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng là thủ tục hành chính. “Mặc dù Thủ tướng rất quyết tâm để cải cách nhưng trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn là nút thắt kìm hãm tăng trưởng kinh tế”.

Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư, hầu hết các dự án đều phải chờ bộ, ngành có liên quan phê duyệt với thủ tục rất phức tạp làm nản lòng không chỉ nhà đầu tư mà ngay cả chính quyền địa phương.

“Theo Luật đầu tư, Luật xây dựng mới thì số dự án công trình phải thông qua bộ, ngành nhiều hơn trước đây”, đại biểu Hà phân tích.

Từ năm ngoái, Chính phủ đã có chủ trương trình Quốc hội một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư xây dựng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.

“Đây là điểm nghẽn từ sự bất cập của luật cần sớm được tháo gỡ. Nếu như tháo gỡ được điểm nghẽn về thủ tục hành chính thì sẽ tạo được sức bật trong tăng trưởng mà nền kinh tế hiện nay còn rất nhiều dư địa”, đại biểu Hà nhận định.

Về vấn đề này, đại biểu Ngân cũng chỉ ra 3 nguyên nhân khiến cho GDP quý I tăng trưởng thấp. Thứ nhất là do biến động khí hậu. Thứ hai là do ảnh hưởng nghiêm trọng của sự ô nhiễm môi trường từ Formosa Hà Tĩnh.

“Từ trường hợp này, các địa phương lưu ý đến lý lịch pháp nhân của các doanh nghiệp này để tránh trường hợp như Formosa Hà Tĩnh vừa qua”, đại biểu Ngân đề nghị.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM (Ảnh; QH)

Thứ ba là vấn đề phân bổ vốn. Hiện nay có những trường hợp vốn đã phân bổ nhưng giải ngân rất chậm. “Chúng ta đã phát hành trái phiếu và phải trả lãi cho tiền phát hành đó nhưng vốn phân bổ bị tắc nghẽn. Chính phủ phải linh hoạt ở đây”, đại biểu Ngân phân tích.

Theo đại biểu Ngân, những dự án nào đang tắc nghẽn thì chúng ta dùng tiền dự án đó để bổ sung cho dự án đang chạy được, đang đầu tư được, đang giải ngân được. “Tức là đòi hỏi sự năng động của Chính phủ ở điểm này. Như vậy sẽ góp phần giảm bớt sự lãng phí và sớm đưa công trình vào thực hiện”, đại biểu Ngân đề nghị.

Đại biểu Ngân cũng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng nữa làm cho GDP của chúng ta tăng thấp trong thời gian vừa qua là do Samsung thu hồi Galaxy note 7 và chuẩn bị tung ra sản phẩm mới.

“Tôi thấy rằng tháng 4 - 5 vừa rồi Samsung đã cải thiện được chỉ tiêu xuất khẩu mặt hàng này, nhưng điều này cho thấy chúng ta không nên phụ thuộc rất lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay trên 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, đại biểu Ngân quan ngại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem