ĐBQH: "Loay hoay giải bài toán vay nghìn tỷ để trả nợ đến bao giờ?"

Trần Giang - Lương Kết Thứ sáu, ngày 09/06/2017 10:12 AM (GMT+7)
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, báo cáo dự toán chi trả nợ của Chính phủ cho thấy Chính phủ đang gặp trục trặc trong khả năng trả nợ của mình và đang "loay hoay" trong việc đảm bảo chi thường xuyên, tức là chi cho tiêu dùng, đi vay để trả nợ.
Bình luận 0

Sáng nay, ngày 9.6, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Trục trặc về trả nợ vay?

Quan tâm về lĩnh vực nợ công, ngân sách, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỏ ra lo lắng về cơ cấu chi ngân sách, khi chi thường xuyên chiếm tỷ lệ cao, còn khoản vay cho phát triển thì lại chủ yếu dùng để đi trả nợ.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Hà Tĩnh cho rằng, về ngân sách nhà nước, trong các chiến lược phát triển các thời kỳ hầu hết đều nhấn mạnh tăng chi phát triển, giảm chi thường xuyên, tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu.

Bà Thơ dẫn chứng: Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công theo đảm bảo, an toàn có nhấn mạnh ưu tiên cho chi phát triển. Tuy nhiên, trong những năm qua chi thường xuyên trong tổng thu ngân sách luôn theo hướng tăng dần: Từ 50,37% năm 2015 lên 61,63% trong năm 2016. Trong khi đó, chi cho phát triển trong tổng chi giảm dần.

Cụ thể, tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển chiếm khoảng 28% trong giai đoạn 2006 -2010, giai đoạn 2011 – 2013 chi cho phát triển 28,72% trong tổng chi. “Riêng năm 2016 chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 19,72% trong tổng chi ngân sách nhà nước, chưa chiếm 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước. Trong khi chi thường xuyên chiếm 61,63%, chi trả nợ viện trợ chiếm 92%”, đại biểu Thơ lo lắng.

img

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Hà Tĩnh (Ảnh Lương Kết)

Đại biểu Thơ lưu ý, năm 2009 ra đời Luật quản lý nợ công ra đời. Cũng từ năm đó nợ công Việt Nam liên tục tăng cao. “Những năm qua Chính phủ luôn dùng ngân sách không nhỏ để trả nợ nhưng vẫn không đủ, phải đi vay để trả nợ và con số rất đáng trăn trở”, đại biểu Thơ băn khoăn.

Vị đại biểu dẫn chứng luôn: Năm 2017, dự toán vay cho cân đối ngân sách Nhà nước mà Chính phủ đặt ra là 316.300 tỷ đồng, trong đó, vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng.

“Tình trạng đảo nợ cho thấy Chính phủ đang gặp trục trặc với khả năng trả nợ. Các con số báo cáo kiểm toán thực hiện ngân sách năm 2016 -2017 cho thấy chúng ta đang loay hoay trong việc đảm bảo chi thường xuyên, tức là chi cho tiêu dùng, đi vay để trả nợ. Trong khi đó, các khoản vay thường để chi cho phát triển để sinh lời trong tương lai và lan toả sức mạnh cho nền kinh tế. Do vậy, tôi đề nghị cần cấp bách cơ cấu lại khoản chi, phải tăng chi cho phát triển, tiêu dùng. Chính phủ cần phải tinh giản hơn nữa bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn”, đại biểu Thơ đề nghị.

Trong những năm gần đây, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã và đang theo đuổi mục tiêu thâm hụt ngân sách có định hướng trong chiến lược quản lý nợ công cũng như chính sách tài chính đến năm 2020. Theo đó, năm 2012 - 2015 Chính phủ đã đưa ra mức trần bội chi là 4,5%GPD, giảm xuống 4% trong giai đoạn 2016 -2020. 

Mặc dù ngân sách tiếp tục tăng nhưng chi luôn vượt thu. Điều này dẫn tới ngân sách triền miên có nguy cơ thâm hụt cao. Thâm hụt tăng từ mức trung bình 4,9% GDP giai đoạn 2001 – 2005 lên 5,53% GDP năm 2006 - 2010. Năm 2015 thâm hụt ngân sách lên 6,28%GDP.

“Con số vượt chi ngân sách này không chỉ vượt trần do Chính phủ tự cam kết, mà còn vượt cả yêu cầu của Quốc hội”, đại biểu Thơ lo lắng.

Rộ “trào lưu” lập công ty ma để mua bán hóa đơn, chứng từ

Để tăng thu ngân sách, đại biểu Thơ cũng đề nghị, thu ngân sách của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn từ thuế. Nhưng nguồn thu này lại đang suy giảm theo xu hướng hội nhập quốc tế, thất thu ngân sách xảy ra thường xuyên, một phần do quản lý hóa đơn còn buông lỏng.

Nữ đại biểu cho rằng, vừa qua cơ chế cho phép người nộp thuế tự kê khai tự nộp thuế đã góp phần đáng kể trong trong giảm thủ tục hành chính. Thế nhưng người nộp thuế lại có thể lách luật để trốn thuế, đặc biệt là sau khi có chính sách bỏ bản kê về mua vào bán ra từ năm 2015.

Thiếu tờ kê này, cơ quan thuế thiếu cơ sở để phân tích rủi ro hay nghi ngờ những bản kê khai của doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp giải trình.

Trong khi đó, trên địa bàn quản lý lại có rất nhiều doanh nghiệp nên cơ quan thuế không thể kiểm soát được việc việc kê khai của tất cả doanh nghiệp có chính xác hay không, dẫn đến việc người nộp thuế có thể kê khai thuế đầu vào cao để thu hẹp chênh lệch đầu vào và đầu ra.

Bà Thơ chỉ ra, lợi dụng sự thông thoáng về chính sách, thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều công ty ma được lập ra để mua bán chứng từ, mua bán các hóa đơn đầu vào để hưởng hoàn thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Năm 2016 hàng loạt vụ án về thuế GTGT bị phơi bày nhưng chủ yếu lại do cơ quan công an điều tra phát hiện chứ không phải do cơ quan thuế phát hiện. Vị đại biểu dẫn chứng, năm 2016, trong khi số thu NSNN từ thuế GTGT hàng nhập khẩu là 175.065 tỷ đồng nhưng hoàn thuế GTGT đã phải chi 97.925 tỷ đồng. Như vậy, thực chất thu từ thuế GTGT đầu ra còn 81.000 tỷ đồng.

Từ thực tế nói trên, đại biểu tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài chính cần thiết lập lại bảng kê các khoản mua vào - bán ra để tạo sự minh bạch, hiệu quả hơn trong kiểm soát các khoản thu thuế.

“Đồng thời, cần có các giải pháp khả thi hơn trong thời gian tới trong quản lý kê khai nộp thuế thông qua công nghệ thông tin, rà soát giao dịch qua tài khoản ngân hàng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán với những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhiều rủi ro để tránh tình trạng tránh thuế, trốn thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước”, đại biểu Thơ đề nghị.

Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là nội dung quan trọng nên trong sáng ngày 9.6, đã có 80 ĐBQH đăng ký phát biểu. Tuy nhiên do số ĐBQH đăng ký đông, dẫn tới sự cố về hệ thống máy.

Hai ĐB đầu tiên là ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) và Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) không đứng tại chỗ phát biểu được. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, người điều hành phiên thảo luận đã phải mời ĐB Quỳnh Thơ lên bục phía trên hội trường để phát biểu.

Tiếp đó ĐB Ngọ Duy Hiểu và các ĐB khác cũng phải lên bục phát biểu. Đến 8h40, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thông báo hệ thống mic đã hoạt động bình thường, các ĐBQH có thể phát biểu tại chỗ như bình thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem