Tôi dùng mạng xã hội để làm gì?

Trần Ngọc Thọ Thứ ba, ngày 21/11/2017 05:54 AM (GMT+7)
Muốn không để xảy ra những trường hợp tự tử vì bị “ném đá, chì chiết” trên mạng xã hội thì việc các nhà cung cấp như Google, Facebook phải quản lý dữ liệu người dùng, nâng trách nhiệm kiểm soát và hạn chế tối đa những rủi ro về gian lận thương mại, an toàn thông tin là điều cần làm.
Bình luận 0

Tôi bắt đầu dùng mạng xã hội mà cụ thể là facebook từ đầu năm 2009, tính đến nay đã gần 9 năm.

Về cá nhân, nhờ facebook mà tôi duy trì liên lạc được một cách thuận tiện và biết thêm được nhiều người bạn mới.

Điều đặc biệt, có những người bạn của tôi tới 15-20 năm không gặp, nhờ facebook mà đã liên lạc trở lại.

Facebook cũng giúp tôi cho việc liên lạc. Tính năng gọi điện khi có wifi hoặc 4G khá ổn định và không tốn kém như gọi thoại thông thường, lại có hình.

Cũng chính nhờ mạng xã hội mà một cá nhân có thể quan sát và nắm bắt được người thân, bạn bè hiện đang như thế nào, vui hay buồn, có đang gặp sự cố hay khó khăn gì không.

Đó là những lợi ích trông thấy rõ mà mạng xã hội mang lại cho từng người dùng.

img

Từ bài báo của Dân Việt, nhờ sự chia sẻ của cộng đồng mạng, gia đình bé Lô Văn An (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) bị bỏng nặng đã đủ tiền để chạy chữa. Ảnh chụp màn hình fb.

Làm nghề báo nên trước đây tôi thường xuyên phải kiểm tra email liên tục, thế nhưng từ khi dùng mạng xã hội, nhiều cộng tác viên bắt đầu gửi bài bằng việc inbox.

Có một điều phải thừa nhận, nhiều đề tài mà báo chí triển khai có nguồn tin từ những tài khoản chính danh trên facebook.

Cũng phải thừa nhận một điều rằng, từ khi có mạng xã hội, báo chí không còn giữ vị trí độc tôn về thông tin.

Đã có khá nhiều sự việc động trời được phát hiện và bắt nguồn từ những thông tin trên mạng xã hội khiến các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh hơn: Vụ nước mắm bị vu nhiễm asen; Vụ người dân bị hành khi đi xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (Hà Nội); Vụ hắt dầu luyn vào phản thịt lợn hay vụ học sinh bị gãy chân ở trường Nam Trung Yên.v.v..

Tôi còn nhớ, khi phát động chiến dịch kết nối giải cứu người chăn nuôi lợn vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.2017, Báo điện tử Dân Việt chúng tôi đã tận dụng lợi thế của facebook để kết nối thông tin cần bán - cần mua giữa những người nông dân có tài khoản mạng xã hội với nhau. Kết quả, một số lượng lớn lợn đã được giải cứu qua chương trình.

Hay như mới đây, ngày 6.11, khi bài báo “Bà nội nguyện làm trâu ngựa cứu cháu 5 tuổi bị bỏng toàn thân” nói về trường hợp của bé Lô Văn An (5 tuổi), người dân tộc Thái tại bản Lạ, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An bị bỏng xăng nặng nhưng thiếu tiền chữa trị, chúng tôi đã nhận được sự đồng cảm và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, chỉ trong vòng 3 ngày, những nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân đã gửi chuyển gia đình bé Lô Văn An tổng cộng tới 200 triệu đồng.

Đó là mặt tích cực có thể nhìn thấy rõ mà facebook đem lại cho người dùng mạng xã hội.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cũng rất băn khoăn khi mỗi phút qua đi trên facebook lại có những thông tin thất thiệt, có thể gây phương hại cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Một tài khoản facebook chụp một tấm hình của một người đang “lang thang” bất kỳ nào đó với hình hài, đầu tóc rũ rưỡi và chú thích theo dòng chữ “Đây là kẻ bắt cóc, hãy cẩn thận” là đã có hàng nghìn, hàng vạn lượt chia sẻ.

img

Những thông tin thất thiệt dạng này được chia sẻ vô tội vạ mà nạn nhân có thể là bất kỳ ai không may lọt vào khuôn hình. Ảnh chụp màn hình fb

Một clip quay cảnh các chiến sĩ công an đang xử lý vi phạm khi tung lên mạng xã hội cũng ngay lập tức nhận được hàng trăm, hàng nghìn lời bình khiếm nhã từ người dùng bất cần biết bản chất đúng sai của câu chuyện ra sao, ai đúng ai sai.

Bạn bè tôi cũng thường xuyên than phiền về chuyện nhận những tin nhắn trúng thưởng này kia và hướng dẫn trình tự các bước để nhận thưởng mà họ biết đây chỉ là trò lừa đảo.

Bản thân tôi cũng thường nhận những lời mời kết bạn từ những tài khoản mang danh các doanh nhân hay tổ chức tài chính có tiếng cùng lời đề nghị kiểu “Chúng tôi có một khoản tiền lớn cần bạn đứng ra nhận hộ, hoàn toàn an toàn.v.v…” và sau đó là đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số căn cước, tài khoản ngân hàng...

Tôi và bạn may mắn nhưng đã có quá nhiều người ít tìm hiểu bị lừa dưới dạng như vậy.

Một đồng nghiệp của tôi nói không phải không có lý: “Chưa bao giờ việc lừa đảo, công kích, triệt hạ cá nhân lại dễ dàng như vậy trên mạng xã hội”.

Thế nên, việc Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lo lắng “Về ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam đứng thứ 80 thế giới (mức trung bình) nhưng an toàn đứng trên 100 (trung bình yếu). Trong đó, chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì Việt Nam thuộc nhóm yếu nhất trên thế giới” là hoàn toàn có cơ sở.

Có lẽ khi ý thức và trách nhiệm của một bộ phận người dùng mạng xã hội đang có vấn đề và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, muốn không để xảy ra những trường hợp tự tử vì bị “ném đá, chì chiết” trên mạng xã hội thì việc các nhà cung cấp như Google, Facebook phải quản lý dữ liệu người dùng, nâng trách nhiệm kiểm soát và hạn chế tối đa những rủi ro về gian lận thương mại, an toàn thông tin là điều cần phải làm bên cạnh một chế tài xử lý mạnh tay cho những người đăng tải thông tin thất thiệt lên mạng xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem