Tối hậu thư cho giá sữa!

Mai Hương Thứ tư, ngày 01/04/2015 13:13 PM (GMT+7)
Dù các cơ quan quản lý đưa ra không ít giải pháp nhưng giá sữa dành cho trẻ em vẫn cao chót vót và có thể tiếp tục tăng lên. Trước tình hình này, Cục Quản lý giá đã ra tối hậu thư.
Bình luận 0

Bộ Tài chính ngày 26.3 đã có văn bản yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi rà soát, tiết giảm các khoản chi phí hình thành giá thành, giá bán sản phẩm và kịp thời giảm giá bán khi các khoản chi phí trong cơ cấu giá giảm. Riêng đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi (các sản phẩm không được quảng cáo theo quy định tại Nghị định số 100/2014), đề nghị công ty thực hiện loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng...

Giá sữa cao khó hiểu…

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường thế giới giá sữa nguyên liệu một năm qua và tính cả đến thời điểm này đã giảm trên 50%. Và cùng với việc cắt giảm chi phí quảng cáo, khuyến mãi của sữa dành cho trẻ từ 24 tháng trở xuống (theo Nghị định 100) lẽ ra giá sữa đã phải giảm mạnh. Tuy nhiên, giá sữa hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thậm chí, công bố giá trần sản phẩm sữa mới của Bộ Tài chính với nhiều mặt hàng sữa mới đây, giá còn tiếp tục tăng.

img
Khách hàng chọn mua sữa cho trẻ em tại cửa hàng trên phố Sơn Tây (Hà Nội) chiều 31.3.   Ảnh: Đàm Duy
Đơn cử, 10 sản phẩm sữa kê khai đăng ký giá mới của Nestle và Friesland Campina Việt Nam mà Bộ Tài chính vừa công bố đều có mức giá trần cao. Sản phẩm Dutch Baby Mau lớn Gold (dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi) 900g giá bán lẻ khuyến nghị tối đa 339.000 đồng/hộp; Dutch Baby Tập đi Gold 900g (6-12 tháng) 330.833 đồng/hộp; Dutch Lady Khám phá Gold 900g (2-4 tuổi) 287.667 đồng/hộp; Dutch Lady Sáng tạo Gold 900g (4-6 tuổi) 277.500 đồng/hộp...

Nhìn vào bảng giá này, so với sữa Dutch Baby Gold Step 2 dành cho trẻ 6-12 tháng, hộp 900g đang bán có giá 275.000 đồng và sữa Dutch Lady Tập đi giá 240.000 đồng/hộp 900g thì đổi sang mẫu mới chỉ thấy giá mới tăng từ vài chục đến gần 100.000 đồng/hộp.

Ghi nhận của NTNN tại các cửa hàng, đại lý sữa ở phố Sơn Tây (Hà Nội) ngày 30.3, giá nhiều loại sữa khác cũng đang cao chót vót dù chi phí nguyên liệu giảm và chi phí quảng cáo với một số sản phẩm đã được tiết giảm. Như: Sữa Friso Gold số 3 vị Vani - 1,5kg giá 610.000 đồng; XO số 4 giá: 478.000 đồng/hộp 800g; Pysolac số 3: 405.000 đồng/hộp 900g; Nan Nga số 1: 579.000 đồng/hộp 800g... Các loại sữa như Nuti IQ 1, 2, 3 loại 900g vẫn có giá 178.000 - 185.000 đồng/hộp; sữa Dutch Lady Tò mò 1-2 tuổi loại 900g giá 210.000 đồng/hộp; Enfamil A+ Lactofree Care 360 Brain Plus 400g giá 240.000 đồng/hộp... - các mức giá này không thay đổi so với cách đây ít nhất là 3 tháng.

Tháng 5 phải giảm giá

Quan điểm

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)
 Nếu đến tháng 5.2015, giá sữa nguyên liệu vẫn ở mức thấp mà giá sữa bán lẻ trong nước vẫn không giảm, thì khả năng sẽ áp dụng các giải pháp nhằm siết chặt quản lý”.  
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khi làm việc với bà Audrae Erickson - Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại và cộng đồng của Hãng sữa Mead Johnson hồi giữa tháng 3 đã đặt câu hỏi: Vì sao sản phẩm sữa cùng chủng loại, cùng trọng lượng, cùng tiêu chuẩn ở các nước trong khu vực lại có giá bán thấp hơn nhiều so với giá bán tại Việt Nam? “Có doanh nghiệp giải thích rằng đó là chiến lược kinh doanh. Theo tôi, ở một đất nước có thu nhập càng thấp, giá sản phẩm phải càng rẻ mới đúng, mới phát triển được thị trường. Điều này chúng tôi không giải thích được” - người đứng đầu ngành Tài chính nói.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, hành vi tiêu dùng của người dân là rất quan trọng trong việc quyết định giá của các nhà kinh doanh. Người dân không nên lệ thuộc quá nhiều vào một sản phẩm sữa. Như vậy, sẽ gây áp lực được với doanh nghiệp phân phối và đảm bảo mức giá cạnh tranh công bằng theo quy luật của thị trường. "Giá bán buôn sữa, Bộ Tài chính đã công bố, cách tính giá bán lẻ tối đa chỉ cộng thêm 15% nữa. Do đó, người tiêu dùng phải giám sát, nếu phát hiện sữa bán lẻ cao hơn giá quy định, phải lên tiếng và có quyền tẩy chay”- ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, nếu đến tháng 5.2015, giá sữa nguyên liệu vẫn ở mức thấp mà giá sữa bán lẻ trong nước vẫn không giảm, thì khả năng sẽ áp dụng các giải pháp nhằm siết chặt quản lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, như tiếp tục áp trần giá sữa, kiểm tra giá nhập khẩu sữa nguyên liệu, tiến hành tham vấn giá nhập khẩu sữa cùng loại tại nước ngoài...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem