Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị xử phạt thế nào?

Bảo Uyên Thứ sáu, ngày 30/11/2018 17:05 PM (GMT+7)
Vừa mới đây ông Lê Huy Toàn - Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang bị khởi tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhiều bạn đọc thắc mắc, tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?
Bình luận 0

Trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp bị khởi tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong các sự việc như: Sự cố y tế trong chạy thận nhân tạo xảy ra tại Hòa Bình; Vụ 189 cây Pơ Mu bị đốn hạ tại Nghệ An; Sập cầu Ghềnh ở Biên Hòa… và mới nhất là vụ ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Lê Huy Toàn - Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang.

img

Ông Lê Huy Toàn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang bị khởi tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ảnh: I.T

Vậy với tội danh này sẽ có mức xử phạt như thế nào?

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Phạm Quang Xá – Công ty Luật XTVN, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thuộc nhóm tội phạm về chức vụ. Tội phạm này xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ.

Theo luật sư Xá: “Tại Điều 352 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã nêu rõ khái niệm tội phạm về chức vụ. Theo đó, các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ; là người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.”

Cũng như các tội danh khác, trong thời gian qua, Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã được điều chỉnh từ Điều 285 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thành Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trong Bộ luật hình sự mới, các nhà làm luật đã điều chỉnh tội phạm này theo hướng thay đổi các tình tiết thiệt hại “định tính” bằng các thiệt hại cụ thể, mang tính “định lượng”; đồng thời tách khung hình phạt để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự cho phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm chức vụ trong tình hình mới. Về những điểm mới của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, luật sư Xá cho biết: " Bộ luật hình sự mới đã định lượng rõ ràng thiệt hại của tội phạm được và các khung hình phạt được tách riêng, phân biệt rõ hơn tính chất, mức độ của tội phạm".

Cụ thể, thứ nhất, thiệt hại của tội phạm được định lượng rõ ràng tại Khoản 1 Điều 360 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thay tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” ở khoản 1 Điều 285 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2017 bằng cách liệt kê cụ thể hậu quả:

-  Làm chết người;

-  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

-  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

-  Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Thứ hai, các khung hình phạt được tách riêng, phân biệt rõ hơn tính chất, mức độ của tội phạm.

Nếu khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định các tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” thì Điều 360 BLHS mới đã tách các tình tiết đó để quy định ở 02 khung hình phạt khác nhau trong Khoản 2 và Khoản 3; đồng thời cụ thể hóa các tình tiết định khung tăng nặng và quy định mức hình phạt cho mỗi khung.Cụ thể:

Khoản 2 Điều 360 BLHS hiện hành quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

-  Làm chết 02 người;

-  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

-  Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng

Khoản 3 Điều 360 BLHS hiện hành quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

-  Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

-  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

-  Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”

Mặc dù vậy có sự điều chỉnh như trên song BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 vẫn giữ nguyên khung hình phạt như quy định của Điều 285 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, khung hình phạt cơ bản là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm;  khung thứ hai từ 3 năm đến 7 năm và khung thứ ba 7 năm đến 12 năm" - Luật sư Xá phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem