Vì sao ông Nguyễn Hữu Tín bị thay đổi biện pháp ngăn chặn?

Bảo Linh Thứ tư, ngày 21/11/2018 06:03 AM (GMT+7)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM). Vì sao ông Nguyễn Hữu Tín bị thay đổi biện pháp ngăn chặn?
Bình luận 0

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch TP HCM cùng 2 cựu cán bộ thuộc cấp.

Theo quyết định khởi tố, ông Nguyễn Hữu Tín và 2 cán bộ thuộc cấp đã có hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

img

Vì sao phải thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can?

Trả lời với Dân Việt, luật sư Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết:

Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật Việt Nam gồm: cấm đi khỏi nơi cư trú, bắt tạm giam, bảo lãnh...

"Việc thay đổi biện pháp ngăn chặn, hầu hết chỉ thay đổi từ nặng xuống nhẹ, nghĩa là từ bắt tạm giam sau đấy cho tại ngoại, khá hiếm trường hợp đang tại ngoại thì bị bắt tạm giam trong khi không có khởi tố vì tội mới" - luật sư Tuấn Anh nói. 

Theo luật sư, đối với việc thay đổi biện pháp ngăn chặn có thể do 2 trường hợp.

Trường hợp thứ 1, khi khởi tố bị can cơ quan điều tra đánh giá hành vi phạm tội đấy chỉ là ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do vô ý hoặc bị can đang bị bệnh phải điều trị thì có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tuy nhiên trong quá trình điều tra phát sinh hành vi phạm tội rất lớn, mức độ phạm tội là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng buộc phải tạm giam điều tra.

Trường hợp thứ 2, trong quá trình điều tra cơ quan điều tra thấy bị can đang được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú có dấu hiệu tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, một số vấn đề liên quan đến đe dọa người làm chứng… cơ quan điều tra sẽ đề xuất đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại thành tạm giam.

Để thay đổi biện pháp ngăn chặn phải có đề xuất của cơ quan điều tra và phê chuẩn của Viện kiểm soát.

Đối với trường hợp ông Nguyễn Hữu Tín, trước đó, (ngày 18.9 - PV), ông Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố vì Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (theo điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Ngày 10.11, cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại TP HCM; ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngày 19.11, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM) về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

"Có thể thấy, trong vụ án của ông Nguyễn Hữu Tín thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú thành bắt tạm giam vì trong quá trình điều tra phát hiện thêm tội danh mới" - luật sư Tuấn Anh cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem