Tôm Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao: "Nhắm" vào doanh nghiệp, trúng... nông dân

HOÀNG HẠNH Thứ ba, ngày 07/10/2014 06:08 AM (GMT+7)
Với việc ngày 19.9.2014, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định áp mức thuế chống bán phá giá  tôm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ ở mức cao, đã không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp rất lớn đến người nuôi tôm.
Bình luận 0

“Đánh doanh nghiệp, trúng nông dân”

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) lo lắng: “Người nông dân nuôi tôm lúc nào cũng đối mặt với rủi ro trong các vụ sản xuất. Thế nhưng khi nuôi thành công thì bị ép giá thu mua do cung vượt cầu hay một lý do nào đó. Việc DOC đánh thuế vào doanh nghiệp, nhưng thực tế lại trúng người nông dân. Vì khi doanh nghiệp chịu thuế cao thì chắc chắn họ sẽ hạ giá thu mua tôm nguyên liệu”.

Quan điểm
img
Ông Sáu NgoãnMệnh danh "Vua Tôm"
  Khi con tôm bị áp thuế cao, doanh nghiệp sợ thua lỗ nên sẽ ngay lập tức ép giá mua từ nông dân. Giá tôm trên địa bàn tỉnh những ngày qua đã giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg. Chúng tôi chỉ mong muốn Nhà nước, các hiệp hội và doanh nghiệp có cách thức đấu tranh hợp lý với những quyết định của DOC để giữ vững sự ổn định cho ngành xuất khẩu tôm...  
Ông Diệp Thanh Hải – Phó Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau khẳng định: “Cái sợ nhất của người nông dân là sợ doanh nghiệp thu mua lợi dụng việc này để giảm giá tôm mạnh hơn. Nhà nước cần có quy định cụ thể về giá cả (giá tôm), thường xuyên kiểm tra việc thu mua của các doanh nghiệp để người nông dân ít bị chịu thiệt”.

 

Trên thực tế, nhiều ngày qua giá tôm nguyên liệu ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL giảm liên tục. Gặp phóng viên, bà Nguyễn Thị Len (ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) mếu máo: “Nếu giá cả ổn định như hồi trung tuần tháng 9 thì tôi không phải chịu mất gần 20 triệu đồng”.

Theo bà Len, trước thông tin giá tôm chân trắng giảm, bà đã lập tức kêu thương lái vào bán tôm. Tuy nhiên loại cỡ 90 con/kg giá chỉ còn 105.000 đồng/kg. Trong khi đó ở thời điểm cuối tháng 9, tôm cỡ này có giá 120.000 đồng/kg. Tuy thu hoạch có lời nhưng không nhiều vì mất gần 20 triệu đồng do tôm mất giá.

Tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng… những ngày qua giá tôm nguyên liệu cũng xuống thấp. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg giá 280.000/kg vào ngày 29.9, hiện giảm còn 270.000/kg; tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg giá từ 136.000 xuống còn 125.000/kg…

Trao đổi với phóng viên về thực tế thị trường này, ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng: “Người dân đang chịu ảnh hưởng lớn. Hàng năm hiệp hội sản xuất hơn 10.000 tấn tôm nguyên liệu các loại. Nếu bình quân 1kg tôm giảm từ 5.000 – 10.000 đồng thôi thì con số thiệt hại đã là rất lớn”.

Thiệt hại “kép”

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Thuận - Tổng Thư ký Hội Chế biến thủy sản Cà Mau cho biết: Theo quyết định của DOC, Cà Mau có 8 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm bị ảnh hưởng. Trong đó mức thuế bình quân của các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện chịu thuế chống bán phá giá là 6,37%, riêng Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%.

“Năm 2012, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau vào thị trường Mỹ khoảng 193 triệu USD; năm 2013 trên 231 triệu USD; riêng 8 tháng đầu năm 2014 khoảng 163 triệu USD. Như vậy với mức thuế bình quân của các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện của địa phương thì ngành tôm Cà Mau bị thiệt hại khoảng 12,3 triệu USD cho giai đoạn từ ngày 1.2.2012 đến ngày 31.1.2013” – ông Thuận phân tích.

Ông Thuận cũng cho rằng, với mức thuế nêu trên, giá tôm nguyên liệu trong nước sẽ giảm tương ứng, thu nhập của người nuôi tôm sẽ giảm.

Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) còn lo lắng hơn: Quyết định cuối cùng của DOC đã khiến cho các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan…

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá cao vô lý như vậy, cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ. Vì khi thuế tăng cao, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải giãn sản lượng cung cấp qua thị trường này và tìm các thị trường khác bù đắp vào. Nhưng sản lượng tôm trên toàn thế giới hiện cung chưa đủ cầu. Do đó các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn phải liên hệ lấy nguồn cung ứng từ Việt Nam. Nguồn cung hạn chế cùng với mức thuế chống bán phá giá tăng cao, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng giá bán.

Trả lời báo chí, “vua tôm” Sáu Ngoãn (Bạc Liêu) cho rằng đằng sau quyết định không công bằng của DOC, người bị thiệt hại nặng nhất chính là nông dân: “Khi con tôm bị áp thuế cao, doanh nghiệp sợ thua lỗ nên sẽ ngay lập tức ép giá mua từ nông dân. Giá tôm trên địa bàn tỉnh những ngày qua đã giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg. Chúng tôi chỉ mong muốn Nhà nước, các hiệp hội và doanh nghiệp có cách thức đấu tranh hợp lý với những quyết định của DOC để giữ vững sự ổn định cho ngành xuất khẩu tôm, từ đó cũng giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng: Cần đa dạng hóa thị trường

Việc phía Hoa Kỳ kết luận chúng ta có bán phá giá và áp thuế rất nặng sẽ bất lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm. Thiệt của nông dân đã rõ là giá bán tôm đang giảm rất mạnh. Các doanh nghiệp đang phải thu xếp một khoản tài chính lớn để trang trải tiền thuế. Để có thể ổn định xuất khẩu tôm, tôi cho rằng các doanh nghiệp của ta cần mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Hiện nay thị trường Nga đang mở cửa và tạo ra nhiều cơ hội cho thủy sản của Việt Nam thì các doanh nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt chuyển hướng xuất tôm vào đây để tạo thế cân bằng.  Mai Nguyễn (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem