Mỗi em một hoàn cảnh, một khó khăn khác nhau... nhưng đều có chung tinh thần nỗ lực vượt khó, vươn lên học tập giỏi, sống có ích.
Con nhà nghèo học giỏi
Gương mặt bé nhỏ, dáng người gầy guộc, đen sắt nhưng đôi mắt của Lê Thanh Phú - thủ lĩnh Đội, học lớp 9 Trường THCS Thống Nhất (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) luôn ánh lên sự thông minh, tinh nghịch. “Nhà con nghèo lắm, không có ruộng vườn, bố mẹ còn phải mượn tạm đất bà hàng xóm để cất nhà. Mấy năm gần đây, mẹ ốm nặng, mất khả năng lao động, mọi việc trong gia đình đều đè hết lên đôi vai ba” – Phú rưng rưng kể.
|
Học sinh nghèo vượt khó ở các địa phương về Hà Nội báo công. |
Khi Phú học lớp 7, mẹ em đã bị bệnh nặng, phải nhập viện. Vì nhà không có tiền phẫu thuật cho mẹ, nên ba anh em Phú lúc nào cũng lo lắng mẹ sẽ chết. Các em chỉ biết khóc và cầu nguyện. “Gia đình nghèo khó nhưng vẫn còn được sống bên mẹ là các em đã thấy hạnh phúc lắm rồi” - Phú tâm sự.
Không chỉ là một thủ lĩnh gương mẫu của trường, của lớp, Phú còn là con ngoan trong gia đình. Ngoài thời gian học tập, kèm phụ đạo cho các bạn có học lực yếu, Phú còn giúp đỡ ba mẹ làm công việc gia đình như cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Thời gian rảnh hơn thì em trồng rau, đi bán sữa... Dù vậy, 9 năm liền, Phú là học sinh giỏi xuất sắc, được nhận Giải thưởng Kim Đồng, từng đoạt giải Ba văn hay chữ đẹp toàn tỉnh.
Hè này, khi các bạn đang bàn nhau về việc đi chơi thì cậu thủ lĩnh Thanh Phú cho biết sẽ ở nhà phụ ba chăm sóc mẹ và đi bán sữa chua. “Mỗi hũ sữa bán được con cũng lời 500 đồng, trung bình ngày cũng có từ 20 – 30 nghìn đồng. Số tiền này, con phụ với ba mua thuốc cho mẹ, hoặc mua quà cho em. Có ngày còn dư tiền thì nhét vào lợn đất, đầu năm học mua sách vở, hoặc lúc nào cần lo việc gì quan trọng thì mổ lợn” – Phú cười tự hào.
Bay cao những ước mơ
Cùng với Phú, nhiều bạn trẻ có vinh dự được tụ họp tại Hà Nội, được gặp Chủ tịch nước lần này đều là những tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó, học giỏi. Vi Thị Khuyên (15 tuổi) học sinh lớp 9A Trường THCS Vân Sơn, Sơn Động, Bắc Giang là 1 trong 3 bạn trẻ sẽ được lên báo công.
Khuyên tâm sự, em không thể nào quên được những lần vất vả cùng mẹ lên nương từ lúc tờ mờ sáng, những tháng ngày thiếu đói triền miên. Từ ngày bố em mất, nhà nghèo càng túng quẫn hơn. Cả gia đình chỉ có 2 sào ruộng, ngoài việc làm ruộng, mẹ còn phải đi làm thuê để nuôi hai chị em ăn học.
Kể từ năm 2008, đây là lần thứ 6 quỹ tổ chức chương trình tuyên dương trẻ em nghèo vượt khó. Đây không đơn giản chỉ là những món quà vật chất, những món quà tinh thần mà còn tạo động lực cho gia đình, xã hội ý thức được tầm quan trọng trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em”.
Ông Hoàng Văn Tiến - Giám đốc Quỹ Bảo trợ chăm sóc trẻ em Việt Nam
“Đã có những lúc gia đình khó khăn quá, cơm không có mà ăn, tiền không có mà đóng học, em cũng đã nghĩ đến chuyện bỏ học. Nhưng nghe lời động viên của mẹ, của thầy cô, bạn bè, em lại gạt nước mắt để đến trường học chữ...” - Khuyên ứa nước mắt nhớ lại.
Giờ thì nhà Khuyên không còn thiếu đói vì đã có Nhà nước hỗ trợ và bà con giúp thêm cân gạo, củ sắn. Để đáp lại tình thương, sự đùm bọc của bà con, Khuyên cho biết, năm tới vào trường THPT, tuy xa 4-5 cây số nhưng em vẫn sẽ cố gắng trèo đèo, vượt suối đi học.
Nguyễn Văn Mạnh (13 tuổi), học sinh lớp 7 Trường THCS Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, không chỉ là trẻ mồ côi mà còn bất hạnh hơn bởi em không có đôi chân khỏe mạnh để đến trường. Bố mất sớm, đôi chân bị bại liệt từ nhỏ nhưng Mạnh đã nỗ lực đến trường trên đôi nạng gỗ, dù trường cách nhà gần 3km. 5 năm liền, Mạnh là học sinh tiên tiến, được trường khen thưởng vì có thành tích vươn lên vượt khó...
Hỏi về ước mơ, Mạnh bảo mong ước là sẽ trở thành bác sĩ để có thể cứu giúp được nhiều người. Còn Khuyên lại mơ làm giáo viên: “Em sẽ nỗ lực học giỏi để trở thành cô giáo về dạy chữ cho các em nghèo, để chắp thêm đôi cánh kiến thức cho các em được bay cao, bay xa, thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, vất vả”.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.