Nhà lãnh đạo nghĩa tình, quyết liệt, đầy thực tiễn

Lê Thọ Bình Thứ ba, ngày 24/01/2023 09:19 AM (GMT+7)
Với một người đứng đầu Đảng nhân hậu, nghĩa tình, nhưng lại quyết liệt, tỉnh táo; với một cương lĩnh trí tuệ, sáng tạo, đầy thực tiễn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, đất nước ta sẽ từng bước vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bình luận 0

"Người cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa"

Có thể nói công cuộc phòng, chống tham nhũng do Đảng - đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - lãnh đạo, chưa bao giờ diễn ra quyết liệt, có ý nghĩa to lớn như hiện nay. Điều đặc biệt đáng nói là công cuộc này được tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Có được những thành tựu bước đầu rất quan trọng như vậy là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương; nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, vai trò của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là hết sức quan trọng.

Tiến hành công cuộc phòng chống tham nhũng bài bản, lớp lang, xử lý cán bộ thoái hóa biến chất rất kiên quyết, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng cũng rất nhân văn.

Chúng ta còn nhớ, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương (sáng 28/12/2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nghẹn lòng và "khổ tâm, đau xót" khi nói đến hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật. "Không ai vui vẻ gì khi xử lý những đồng chí của mình cả, nhưng vì sự tồn vong của Đảng, vì sự nghiệp phát triển đất nước, vì niềm tin của người dân với Đảng, chúng ta vẫn phải kiên quyết xử lý"- người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh.

xuan/ Nhà lãnh đạo nghĩa tình, quyết liệt, đầy thực tiễn - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: THỐNG NHẤT

"Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm "nản chí", "chùn bước", sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, 18/11/2022)

Xuyên suốt cả quá trình công tác, đặc biệt là từ khi trở thành người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm niệm những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu gương và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì dân, vì nước; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Nhìn lại suốt cả quá trình công tác, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, chúng ta thấy, ông luôn là tấm gương sáng của một người cộng sản chân chính để người khác noi theo.

Sinh thời, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng nhận xét: "Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là "công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân" như Hồ Chủ tịch từng khẳng định".

GS Hồ Ngọc Đại - "cha đẻ" của Công nghệ giáo dục, người bạn thân thiết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nói với tôi: Ông Trọng là một nhân cách lớn, nghĩa tình, yêu thương đồng chí, đồng đội, sống liêm khiết, trong sạch, và rất ghét thói xa hoa, bòn rút của công, bè phái, cánh hẩu.

"Ông là người nghiêm khắc trong nghề nghiệp, có lý tưởng. Điều đáng kính trọng ở ông là sự tận tâm với công việc. Là người từng nhiều năm được làm việc dưới quyền ông, được ông dìu dắt, chỉ bảo, chúng tôi học được rất nhiều ở ông tính chuyên cần, cẩn trọng, cần kiệm. Ông là mẫu người "cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư" như Bác Hồ từng dạy"- nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản từng nhận xét.

"Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế"

xuan/ Nhà lãnh đạo nghĩa tình, quyết liệt, đầy thực tiễn - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

xuan/ Nhà lãnh đạo nghĩa tình, quyết liệt, đầy thực tiễn - Ảnh 4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận sắc sảo của Đảng ta. Khi nói về chuyện hôm nay, ông thường lấy những ví dụ trong lịch sử để làm bài học cho cán bộ, đảng viên. Vì vậy, các chỉ đạo của ông tại các cuộc họp, hoặc khi tiếp xúc cử tri (với vai trò là đại biểu Quốc hội) người nghe thấy gần gũi, ấm áp, nhưng đầy sâu sắc, dễ nhớ, dễ tiếp thu.

Là người chính trực, liêm khiết, "là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa", ông rất ghét những kẻ xu nịnh, tham vọng quyền lực, chạy chọt, ngồi "nhầm ghế" trong công tác cán bộ.

Người đứng đầu Đảng ta từng nhấn mạnh: "Kiên quyết không để lọt những người tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, phe cánh, lợi ích nhóm, mị dân, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất...; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…".

Và chính vì vậy, việc ngăn chặn nạn "ngồi nhầm" ghế trong lĩnh vực công, để các nhân tài thực sự có cơ hội cống hiến cho đất nước sẽ tạo ra bước ngoặt nói không với chủ nghĩa thân hữu và "con ông cháu cha" nhức nhối bấy lâu nay trong xã hội ta.

Về vấn nạn này, chúng ta hãy nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viện dẫn bài học lịch sử trong phát biểu tại một hội nghị về công tác dân vận. Ông nói: "Sở dĩ triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng chính sách "thân dân", "làm kế sâu rễ bền gốc"; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ "mặc dân khốn khổ", "muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thẳng thắn chỉ rõ, hiện nay: "Một số người lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất...".

Có một thực tế là, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác cán bộ. Nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế chính sách đã ra đời và từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, với quyết tâm "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế". Có thể nói Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 (về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền) mới thực sự là quyết tâm chính trị lớn nhất từ Bộ Chính trị, đủ sức răn đe và có tác dụng cảnh giới cao, chắc chắn sẽ khắc phục được những hiện tượng lệch lạc của cán bộ, đưa quyền lực vào đúng quỹ đạo của nó với bản chất là "quyền lực công", "vì nhân dân phục vụ", mang lại niềm tin cho nhân dân. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem