Tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch nước được Bộ Chính trị quy định như thế nào?

PVCT Thứ sáu, ngày 20/01/2023 08:41 AM (GMT+7)
Theo Quy định 214 của Bộ Chính trị, đối với chức danh Chủ tịch nước cần bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực khác phù hợp với cương vị công tác này.
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, sau khi Quốc hội Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thông báo: Bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước giữ Quyền Chủ tịch nước cho tới khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.

Tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch nước được Bộ Chính trị quy định như thế nào? - Ảnh 1.

Ngày 18/1, Quốc hội khoá XV họp kỳ bất thường lần thứ 3 để miễn nhiệm chức Chủ tịch nước. Ảnh QH

Như vậy có thể thấy chức danh Chủ tịch nước sẽ được Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội kiện toàn trong thời gian tới. 

Theo Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có quy định chức danh Chủ tịch nước.

Theo đó, chức Chủ tịch nước cần đảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Còn chức danh Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư cần có những tiêu chuẩn sau: Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có thêm các tiêu chuẩn: Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm. 

Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội. Có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng đóng góp ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định. 

Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.

Còn tiêu chuẩn của chức Uỷ viên Trung ương Đảng được quy định như sau: Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách. Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập. Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.

Trong Quy định số 214, mở đầu là quy định về tiêu chuẩn chung đối với chức danh cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tiêu chuân chung gồm tư tưởng chính trị; đạo đức lối sống; trình độ; năng lực và uy tín; sức khoẻ, độ tuổi và kinh nghiệm.

Theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Như vậy, đối với nhân sự được giới thiệu để bầu Chủ tịch nước ngoài những tiêu chuẩn theo quy định nêu trên thì còn phải là đại biểu Quốc hội.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem