Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc: Đưa quan hệ Việt - Trung bước sang giai đoạn phát triển mới (Bài 1)

PV tổng hợp Thứ bảy, ngày 29/10/2022 15:18 PM (GMT+7)
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc - mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện được xây đắp trên nền tảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo 2 Đảng, 2 nhà nước đã dày công đặt những viên gạch đầu tiên.
Bình luận 0

LTS: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022.

"Đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới" - nội dung trong điện mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình ngay sau thành công của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập đến nội hàm cũng như mục tiêu của mối quan hệ Việt - Trung.

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Dân Việt xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài đi sâu vào phân tích, đánh giá lịch sử hợp tác nhiều mặt của 2 Đảng và 2 Nhà nước; nhận định của các chuyên gia về tầm nhìn và hợp tác chiến lược của 2 Đảng, 2 nước trong mục tiêu nói trên.

Chuyến thăm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy chính trị Việt - Trung - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tới Việt Nam tháng 11/2017. Ảnh: VGP.

Định hướng quan hệ hai nước

Chuyến thăm nhằm triển khai tích cực, mạnh mẽ đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng ta, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tin cậy chính trị giữa hai Đảng Cộng sản, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; đồng thời củng cố quan hệ giữa hai đồng chí Tổng Bí thư và lãnh đạo cấp cao hai nước, phấn đấu đưa quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới, góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.

Chuyến thăm còn góp phần củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai đảng, làm định hướng cho quan hệ giữa hai nước; tăng cường quan hệ trên các kênh Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; tạo chuyển biến mới, tích cực trong hợp tác bình đẳng, cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác; nâng cao hợp tác quốc phòng-an ninh, tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế; phát triển quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, giao lưu nhân dân.

Chuyến thăm cũng củng cố nhận thức chung cấp cao về kiểm soát bất đồng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; giữ gìn hòa bình ở Biển Đông, thúc đẩy đàm phán về các vấn đề trên biển trong khuôn khổ song phương và ASEAN; thúc đẩy sự tôn trọng các lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm đề cao đường lối đối ngoại, trong đó khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, mong muốn phát triển lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả, thực chất theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước; đồng thời làm rõ những quan tâm, lập trường đúng đắn, các lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Cùng với đó, chuyến thăm cũng thể hiện sự ủng hộ đối với những tư tưởng và đường lối phát triển của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển; vị trí "hạt nhân lãnh đạo" của Tổng Bí thư Tập Cận Bình được Đảng Cộng sản Trung Quốc xác lập; đồng thời thúc đẩy chính sách của Trung Quốc về hữu nghị, hợp tác với Việt Nam; ủng hộ Việt Nam phát triển, có vị thế quốc tế ngày càng cao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tầm quan trọng đặc biệt

Truyền thông Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều mối quan tâm chung đối với an ninh chính trị, hội nhập kinh tế trong khu vực. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ nêu bật niềm tin và thành tựu của hai nước, sự kiên định trong việc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thể hiện quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, từ đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc  Bài 1: Quan hệ Việt - Trung bước sang giai đoạn phát triển mới - Ảnh 2.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình vào tháng 11/2017. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu với Thời báo Hoàn cầu, ông Trang Quốc Thổ, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn cho rằng, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng như giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Còn ông Kalvin Fung Ka-shing, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda ở Tokyo cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phản ánh "tình đoàn kết" giữa hai bên.

Chuyên gia Trang Quốc Thổ cho rằng, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn định hướng và dẫn dắt sự phát triển của quan hệ giữa 2 nước. Các cuộc tiếp xúc giữa các lãnh đạo của 2 đảng là một đặc điểm quan trọng và và đặc biệt trong sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, góp phần đảm bảo quan hệ luôn đi đúng hướng bất chấp sự khác biệt về một số vấn đề trong khu vực.

Thúc đẩy quan hệ kinh tế

Chuyến thăm cũng được kỳ vọng thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Ông Bai Ming, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường Quốc tế thuộc Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Bắc Kinh là phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ông hy vọng sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được nâng lên một tầm cao mới thông qua cuộc gặp tiềm năng giữa hai nhà lãnh đạo.

Theo chuyên gia Trang Quốc Thổ, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện cải cách, mở cửa, đạt được những thành tựu và vượt qua khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội, có thể cung cấp kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam. Chuyến thăm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo tiền đề để hai bên trao đổi những kinh nghiệm đó và học hỏi lẫn nhau.

Ngoài ra, cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thỏa thuận thương mại tự do lớn này đã mở ra không gian rộng lớn hơn cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Ông Trang Quốc Thổ lưu ý, chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự gắn kết và tầm ảnh hưởng của RCEP.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem