Việt Nam –Trung Quốc có bước tiến rất quan trọng về vấn đề Biển Đông
Việt Nam – Trung Quốc có bước tiến rất quan trọng về vấn đề Biển Đông (bài 8)
Lương Kết (thực hiện)
Thứ tư, ngày 02/11/2022 11:08 AM (GMT+7)
"Liên quan đến Biển Đông, toàn bộ những tuyên bố, quan điểm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc nếu được triển khai trên thực tế sẽ góp phần giữ gìn sự ổn định, an ninh, an toàn trên khu vực", ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội nói khi trao đổi với Dân Việt.
Thông điệp về vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam - Trung Quốc
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quóc, hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó có đề cập tới vấn đề liên quan đến Biển Đông. Dân Việt có trao đổi với ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về nội dung trong Tuyên bố chung Việt Nam –Trung Quốc, khi hai bên đề cập tới vấn đề Biển Đông?
- Tôi cho rằng nội dung liên quan đến vấn đề Biển Đông được nêu trong Tuyên bố chung trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc không chỉ dư luận Việt Nam, Trung Quốc quan tâm mà cả khu vực, các nước có quyền lợi liên quan đến Biển Đông đều quan tâm. Họ xem quan điểm chính trị của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước của Việt Nam và Trung Quốc thể hiện như thế nào.
Nội dung trong tuyên bố chung của Việt Nam – Trung Quốc có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo đó hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; cho rằng kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng; nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực.
Hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), và tiếp tục thúc đẩy để có văn bản có giá trị pháp lý cao hơn là "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển.
Tôi cho rằng đây là bước tiến rất quan trọng giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông.
Nếu như toàn bộ những tuyên bố, quan điểm của lãnh đạo cấp cao hai bên được triển khai trên thực tế sẽ góp phần giữ gìn sự ổn định, an ninh, an toàn trên khu vực Biển Đông, đảm bảo cho hoạt động của ngành hàng hải, hàng không được duy trì và phát triển. Thứ hai, quan điểm của hai vị lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc là nền tảng để các cơ quan chuyên môn tiếp tục tiến tới để có thể có được văn bản thỏa thuận có giá trị pháp lý hơn.
Nếu như khu vực Biển Đông rơi vào tình trạng bất ổn, với những căng thẳng như đã từng xảy ra thời gian trước đây thì vấn đề không chỉ Việt Nam và Trung Quốc hay một số nước xung quanh mà Mỹ cũng sẽ vào khiến cho tình hình càng thêm phức tạp, thưa ông?
- Đúng như vậy. Chúng ta đã thấy thấy có giai đoạn tình hình Biển Đông phức tạp, khi đó có thêm sự hiện diện của Mỹ. Họ đưa các tàu chiến, tàu khu sân bay vào khu vực Biển Đông khiến cho tình hình căng thẳng thêm. Khi các nước lớn có những động thái thực hiện tư tưởng, ý đồ chiến lược toàn cầu của họ thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước có quyền lợi liên quan.
Quay trở lại Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc có đề cập vấn đề Biển Đông, tôi đánh giá rất cao, bởi nếu không khi xảy ra việc căng thẳng, phức tạp gì đó trên Biển Đông liên quan đến hai nước, họ có thể nói đây là việc ở cấp dưới, không ảnh hưởng đến thỏa thuận cấp cao. Nội dung liên quan đến Biển Đông được đưa vào Tuyên bố chung công bố cho cả thế giới biết thì ngoài ý nghĩa về thông điệp chính trị đối ngoại rất quan trọng, còn là sự ràng buộc giữa hai bên, muốn hay không muốn khi đã tuyên bố thì phải có trách nhiệm.
Trong Tuyên bố chung có điểm mới về kinh tế
Nhìn vào kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc, ông có suy nghĩ gì?
- Trước hết có thể thấy đây là hoạt động chính trị đối ngoại cực kỳ quan trọng của Đảng cộng sản Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, căng thẳng. Dư luận trong nước cũng như nước ngoài đang theo dõi động thái phản ứng của Việt Nam trước kết quả Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc như thế nào, trên cơ sở đó xem tương lai giữa hai nước có vấn đề gì mới không.
Tôi cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc mang tính chất lịch sử để đánh dấu và có thể chuyển quan hệ giữa hai nước sang giai đoạn mới, với những quan điểm mới theo hướng tích cực. Kết quả của chuyến thăm, hai bên đã có Tuyên bố chung; ký kết 13 văn kiện hợp tác giữa hai Đảng, hai nhà nước.
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc lần này thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện trên tất cả các lĩnh chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa…trong đó còn có cả vấn đề hợp tác về quốc phòng.
Vấn đề về kinh tế, trong Tuyên bố chung cũng có những điểm mới, đó là tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt dần dần khắc phục buôn bán tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch đảm bảo cho hàng hóa, trong đó có nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi, ổn định. Còn nếu thị trường kiểu "sáng nắng chiều mưa" thì rất nguy hiểm. Bối cảnh hiện nay chúng ta đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, mặc dù kinh tế có tăng trưởng nhưng theo nội dung Quốc hội đã thảo luận thấy quý 4/2022 xuất hiện những khó khăn, trong khi quý 2, quý 3/2022 thì tương đối thuận lợi.
Trung Quốc là thị trường rất lớn với hàng tỷ dân, là nơi có nhiều tiềm năng để chúng ta có thể khai thác, còn nếu thị trường này không ổn định thì rõ ràng kinh tế của chúng ta sẽ gặp những khó khăn. Theo số liệu thống kê, chúng ta nhập siêu khoảng 53,7 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy các ngành sản xuất của chúng ta dựa vào nguyên liệu đầu vào từ phía Trung Quốc rất nhiều. Cho nên cần khẳng định chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc ngoài tăng cường về quan hệ chính trị, việc tăng cường về kinh tế cũng rất quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung trong tuyên bố chung của Việt Nam – Trung Quốc có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo đó hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; cho rằng kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng; nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực.
Hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), và tiếp tục thúc đẩy để có văn bản có giá trị pháp lý cao hơn là "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.