Tổng Bí thư Tô Lâm: Dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" khi xây dựng pháp luật
Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng pháp luật cần dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"
Mai Hương
Thứ năm, ngày 07/11/2024 17:54 PM (GMT+7)
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, dấu hiệu bị tác động, "lợi ích nhóm" trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển.
Ngày 7/11, Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả mà ngành tư pháp đạt được trong những năm qua.
Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp trong việc ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của ngành, nhất là trong công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Theo đó, một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, dấu hiệu bị tác động, "lợi ích nhóm" trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại. Ảnh: BTP
Dấu hiệu bị tác động, "lợi ích nhóm" trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển...
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho nhân dân.
Tổng Bí thư đề nghị, trong thời gian tới, bộ, ngành Tư pháp cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, trong đó đổi mới tư duy xây dựng pháp luật cần phải trên tinh thần là dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Về yêu cầu đối với Chương trình xây dựng luật, pháp luật do Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo đề xuất hằng năm, phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật cần tháo gỡ; những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hóa để xây dựng, đề xuất chương trình.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải thật sự sống động, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn; phải tháo gỡ các "điểm nghẽn" pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm ghi lưu bút tại Phòng truyền thống Bộ Tư pháp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới; xu hướng mới hiện cơ chế "Sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật" để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật; hình thành cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, trong thẩm định pháp luật, xây dựng văn bản pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, phải coi việc lãnh đạo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng, của mỗi đảng viên, trước hết là cấp uỷ, tổ chức Đảng, đảng viên trong bộ, ngành Tư pháp.
Triệt để cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp…
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu Bộ Tư pháp cần tập trung phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp theo tinh thần "dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung".
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhất trí xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới".
Người đứng đầu Đảng ta cũng nhất trí về chủ trương cần quan tâm, đầu tư thích đáng, có cơ chế tài chính và chế độ, chính sách đặc thù cho công tác pháp luật, cán bộ làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật và chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ của bộ, ngành Tư pháp đi địa phương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn. Giao các cơ quan có thẩm quyền tham mưu giải quyết cụ thể các kiến nghị, đề xuất của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.