Tống Cao Tông trọng dụng Tần Cối, bức hại Nhạc Phi

MA Thứ bảy, ngày 20/01/2024 20:31 PM (GMT+7)
Đêm trừ tịch cuối tháng chạp (27 tháng 1 năm 1142), Tống Cao Tông và Tần Cối dùng tội danh "mạc thu hữu" để giết Nhạc Phi cùng con là Nhạc Vân và bộ tướng Trương Hiến tại Lâm An...
Bình luận 0

Kiếm Viêm nam độ

Trong Tĩnh Khang chi biến, triều Kim bắt được nhiều tông thất của triều Tống, song Khang vương Triệu Cấu may mắn tránh được. Năm Tĩnh Khang thứ 2 (1127), Triệu Cấu từ khu vực Hà Bắc ngày nay đến bồi đô Nam Kinh Quy Đức phủ (nay là Thương Khâu, Hà Nam), tức vị, tức Tống Cao Tông, cải nguyên Kiến Viêm. Sau đó, Tống Cao Tông dời về phía nam, vượt Hoài Hà và Trường Giang, đến năm Kiến Viêm thứ 3 thì đổi Giang Ninh phủ thành Kiến Khang phủ (nay là Nam Kinh), xem là hành đô, gọi là "Đông Đô". 

Năm Thiệu Hưng thứ 1 (1131), thăng Hàng châu thành Lâm An phủ (nay là Hàng Châu), xem là "hành tại", đến năm Thiệu Hưng thứ 8 thì chính thức định Lâm An là hành đô, Kiến Khang đổi thành lưu đô. Triều Kim tiến quân về phía nam, trực tiếp uy hiếp Lâm An, Cao Tông không còn đường thoát, chỉ có thể theo đường biển đào tị, phiêu bạt tới bốn tháng tại duyên hải Ôn châu. 

Do ở phương nam ẩm ướt sông ngòi dọc ngang, cộng thêm quân dân Nam Tống tích cực kháng chiến, chủ soái quân Kim là Ngột Truật quyết định triệt binh về bắc. Khi triệt thoái đến Trấn Giang, quân Kim bị tướng Tống Hàn Thế Trung cắt đứt đường lui, bị buộc phải tiến vào Hoàng Thiên Đãng. Quân Tống dùng binh lực chỉ tám nghìn mà vây khốn quân Kim đông tới mười vạn, sau 48 ngày bế tắc, cuối cùng quân Kim dùng hỏa công mới mở được lối thoát để triệt thoái, trên đường còn bị Nhạc Phi đả bại tại Kiến Khang, từ đó không dám vượt Trường Giang.

Tống Cao Tông trọng dụng Tần Cối, bức hại Nhạc Phi- Ảnh 1.

Tống Cao Tông trọng dụng Tần Cối, bức hại Nhạc Phi. Ảnh: Sohu.

Trong "Trung Hưng tứ tướng" của Nam Tống, nổi danh nhất là Nhạc Phi. Thông qua Bắc phạt, Nam Tống chiếm lĩnh một phần lãnh thổ của chính quyền Đại Tề do Kim đứng sau. Tống Cao Tông do nhiều nguyên nhân nên một lòng nghị hòa, cuối cùng không hợp với ý tưởng Bắc phạt của Nhạc Phi. 

Năm 1138, Tống và Kim lần đầu nghị hòa, Nam Tống dùng đầu hàng ngoại giao để thu hồi Hà Nam và Thiểm Tây. Năm Thiệu Hưng thứ 10 (1140), triều Kim xé bỏ hòa nghị, nhanh chóng công hạ Hà Nam và Thiểm Tây, đồng thời thâm nhập về phía nam. Do quân dân triều Tống tích cực kháng chiến, quân Kim cuối cùng đều thất bại khi tiến công Xuyên Thiểm, Lưỡng Hoài.

Tháng bảy, tướng Kim là Ngột Truật thấy bất lợi khi tiến công về phía nam, chuyển sang tiến công Yển Thành, bị Nhạc Phi đả bại, lại chuyển sang tiến công Dĩnh Xương song cũng bại trước Nhạc Phi. Nhạc gia quân thừa thắng truy kích, từng đánh tới trấn Chu Tiên cách Khai Phong gần 45 dặm, Ngột Truật đào thoát khỏi Khai Phong, nghĩa quân các địa phương phương bắc lần lượt hưởng ứng. 

Đúng lúc này, Tống Cao Tông liên tiếp hạ 12 đạo kim bài thôi thúc Nhạc Phi đem quân về. Tháng mười một năm Thiệu Hưng thứ 11 (1141), Tống và Kim thông qua thư tín đạt thành "Thiệu Hưng hòa nghị", hai bên lấy Hoài Thủy-Đại tán Quan (nay thuộc Bảo Kê, Thiểm Tây) làm biên giới. Tống cắt nhượng Đường châu, Đặng châu và hơn một nửa Thương châu, Tần châu do Nhạc Phi chiếm lĩnh, mỗi năm Tống tiến cống Kim 25 vạn lượng bạc, 25 vạn xấp lụa. 

Đêm trừ tịch cuối tháng chạp (27 tháng 1 năm 1142), Tống Cao Tông và Tần Cối dùng tội danh "mạc thu hữu" để giết Nhạc Phi cùng con là Nhạc Vân và bộ tướng Trương Hiến tại Lâm An. Thực hiện "Thiệu Hưng hòa nghị", linh cữu của sinh phụ Tống Cao Tông là Tống Huy Tông và sinh mẫu được đưa về Nam Tống.

Tống Cao Tông nhiệm dụng Tần Cối làm thừa tướng, Tần Cối trong những năm Tĩnh Khang từng chủ trương kháng Kim, sau bị người Kim bắt. Tháng mười năm Kiến Viêm thứ 4 (1130), Tần Cối về nam, ông theo chính sách đầu hàng, rất hợp với ý của Tống Cao Tông. Tần Cối về Nam Tống gần ba tháng thì được phong làm phó tể tướng, sau tám tháng thì trở thành hữu thừa tướng. Do Tần Cối hết sức đề xướng "nam tự nam, bắc tự bắc", mâu thuẫn với Tống Cao Tông, nên sau một năm thì bị Tống Cao Tông bãi miễn. 

Sau khi bị bãi chức tể tướng, Tần Cối ẩn mình, xem xét tình hình để hành động. Tháng năm năm Thiệu Hưng thứ 8 (1138), Tống Cao Tông lại bổ nhiệm Tần Cối làm hữu thừa tướng. Sau đó, Tần Cối bách hại các quan viên có ý kiến bất đồng với mình, liên hôn với ngoại thích, kết giao nội thần. Sau này, Tần Cối có quyền thế cực lớn, khiến Tống Cao Tông cảnh giác. Tống Cao Tông đích thân hạ lệnh, khiến cháu nội của Tần Cối mất chức trạng nguyên, quyền thế của Tần Cối dần giảm đi. Năm Thiệu Hưng thứ 25 (1155), Tần Cối bệnh trọng, trù tính để con kế thừa chức thừa tướng, song bị Tống Cao Tông phủ quyết, không lâu sau thì mất.

Thiên an Nam Giang

Sau khi Tần Cối từ trần, Tống Cao Tông một mặt đả kích dư đảng của Tần Cối, một mặt trọng dụng quan viên phái chủ hòa. Tống Cao Tông không có năng lực sinh dục, do vậy ông chọn tuyển chọn người kế thừa trong số hai hậu duệ nổi bật của Tống Thái Tổ là Triệu Viện và Triệu Cừ, Triệu Viện giành thắng lợi. Năm Thiệu Hưng thứ 32 (1162), Triệu Viện được lập làm thái tử, đồng thời đổi tên thành Triệu Thận. 

Năm Thiệu Hưng thứ 31 (1161), Hoàng Đế Hoàn Nhan Lượng của Kim tiến hành xâm chiếm phương nam, bị Ngu Doãn Văn đánh lui trong trận Thái Thạch. Lúc này triều Kim phát sinh nội loạn, Hoàn Nhan Lượng bị giết, quân Kim về bắc. Sự kiện này khiến Tống Cao Tông nảy sinh ý muốn thoái vị, đến tháng 6 năm Thiệu Hưng thứ 32, Tống Cao Tông hạ chiếu thoái vị, Thái tử Triệu Thận kế vị, tức là Tống Hiếu Tông. Tống Cao Tông tự xưng là Thái thượng hoàng, cư trú tại Đức Thọ cung, sau đó hết sức hưởng lạc, hoang phí. Ngày tám tháng 10 năm Thuần Hi thứ 12 (1187), Tống Cao Tông từ trần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem