Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai: Nhiều thủy điện nhỏ gây hậu quả đáng tiếc

Khương Lực Thứ sáu, ngày 16/10/2020 19:21 PM (GMT+7)
Ngày 16/10, trao đổi với DANVIET.VN, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cho rằng, các công trình thủy điện nhỏ nhưng lại là vấn đề lớn trong quản lý an toàn về phòng chống thiên tai. Nhiều thủy điện nhỏ đã gây hậu quả đáng tiếc, làm thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng con người.
Bình luận 0

Nói về công tác phòng chống thiên tai cho các công trình thủy điện vừa và nhỏ, ông Trần Quang Hoài cho biết, theo phân cấp quản lý, đây là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và UBND các địa phương.

Ông Trần Quang Hoài: Nhiều thủy điện nhỏ đã gây ra hậu quả đáng tiếc - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT): Nhiều thủy điện nhỏ đã gây ra hậu quả rất đáng tiếc.

"Trong Luật Phòng, chống thiên tai quy định, các công trình phải lồng ghép đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai. Yếu tố đó nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các nhà đầu tư hầu như rất ít quan tâm và đã xảy ra nhiều sự cố, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng con người, thậm chí có những doanh nghiệp đã phá sản" – ông Hoài chia sẻ.

Theo ông Hoài, thủy điện là một nguồn năng lượng rất quý báu của quốc gia. Các công trình thủy điện lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, từ hồ chứa, đến vận hành, ứng dụng khoa học công nghệ, rồi phối hợp với chính quyền các địa phương và đặc biệt thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai rất tốt nên đã phát huy được hiệu quả của công trình trong việc phòng chống lũ phát điện, phục vụ sản xuất nông nghiệp và các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, các thủy điện nhỏ nhưng lại là vấn đề lớn về đảm bảo an toàn và phòng chống thiên tai. "Nhiều thủy điện nhỏ đã gây ra những hậu quả đáng tiếc" – ông Hoài nói. 

Đơn cử, vào rạng sáng ngày 24/6/2019, Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 của Công ty CP Công nghiệp Việt Long đã đột ngột mở cả 4 cửa xả đáy, gây ra trận lũ quét cục bộ tại xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai), làm sập cầu treo và ngập úng nhà ở, ô tô, cuốn trôi tài sản, gây thiệt hại cho hơn 50 hộ dân.

Ông Trần Quang Hoài: Nhiều thủy điện nhỏ đã gây ra hậu quả đáng tiếc - Ảnh 2.

Cả một mảng quả đồi sập xuống tòa nhà điều hành nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Một chiếc máy xúc bị hất văng tại hiện trường. Ảnh: Trần Hồng.

Hay mới đây nhất là vụ đất đá ập xuống nhà điều hành nơi công nhân xây dựng công trình thủy điện Rào Trăng 3 (tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế)  đang ngủ, vùi lấp 17 người.

 Trong quá trình khảo sát để lên phương án cứu hộ nhóm công nhân thủy điện, giữa đêm khuya ngày 12/10, tai hoạ lại ập xuống vùi lấp 13 người trong đoàn công tác, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man – Đại biểu Quốc hội, Phó Tư lệnh Quân khu 4.

 Đến tối 15/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy toàn bộ 13 thi thể là các cán bộ, chiến sĩ bị núi lở vùi lấp.

"Trong quản lý, quy hoạch, cần phải quản lý, quy hoạch xây dựng; quản lý vận hành, lắp đặt các trang thiết bị để theo dõi giám sát dòng chảy đến, giám sát mức nước và lắp đặt các thiết bị cảnh báo hạ du, các mốc giới ngập lụt ở hạ du, rồi phối kết hợp với các chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn bà con khi xả lũ… Đây là những yêu cầu đã đặt ra tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Đặc biệt, trong các chủ hồ này thì còn có câu chuyện lực lượng quản lý, vận hành được đào tạo bài bản hay không, có trình độ hay không? Đây là vấn đề đã rất nhiều lần Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có văn bản gửi cho các địa phương, nhưng việc để thực hiện trong thực tiễn đang cần có câu trả lời của cơ quan chính quyền các cấp được phân giao nhiệm vụ trong công tác quản lý" – ông Hoài đặt vấn đề.

Tinh thần chỉ đạo chung là đưa vào chế độ quản lý, chỉ đạo, điều hành nghiêm ngặt mặc dù bây giờ theo quy trình bình thường sau 1/10. Năm nay năm đặc biệt do đó thường xuyên phải báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để có một hướng thống nhất chung, đảm bảo đa mục tiêu: đảm bảo an toàn đập, hồ chứa; tích trữ đủ nước để phục vụ cho mùa khô và mùa hè năm tới.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

Liên quan đến vấn đề an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và thủy điện, ngày 16/10, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, về tổng thể, chúng ta vẫn giữ an toàn đối với hơn 6.700 hồ chứa thủy lợi và thủy điện.

 "Một điều đáng tiếc xảy ra ở thủy điện Rào Trăng 3 là sự cố ở phần thi công, chứ không phải vận hành" – ông Cường cho biết.

Tuy nhiên, trước diễn biến dị thường của thời tiết năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các đơn vị không được chủ quan mà phải hết sức chú ý tới việc đảm bảo an toàn đập, các hồ chứa thủy điện và thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ đang thi công hoặc hồ chứa xuống cấp chưa được nâng cấp, sửa chữa.

Theo Bộ trưởng, tại các tỉnh miền Trung chưa bao giờ trong vòng 6 ngày lại có lượng mưa lớn lên đến 3.000mm và lượng mưa 2.000mm xảy ra tại nhiều điểm. Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới đang tiếp cận gần bờ. Do tương tác của nhiều hình thái thời tiết nên dự báo sẽ tiếp tục gây mưa lớn cho khu vực này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem