Tống giam tướng, quân đội TQ vẫn không "vá" được chỗ yếu

Trà My - SCMP Thứ ba, ngày 09/08/2016 17:25 PM (GMT+7)
Tuy rất mạnh tay trong việc trừng phạt nhiều tướng lĩnh, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc đã thực sự “nhổ tận gốc” nạn tham nhũng trong quân đội?
Bình luận 0

img

Cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng vừa bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng

Việc phạt tù chung thân thượng tướng Quách Bá Hùng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, quan chức quân sự cấp cao nhất Trung Quốc từng bị bỏ tù vì tội tham nhũng kể từ năm 1949, có thể đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thế nhưng, cùng lúc, việc ông Quách bị kết án, cùng với sự sụp đổ của tướng Từ Tài Hậu (người qua đời vì bệnh ung thư năm 2015 trước khi trả lời về cáo buộc tham nhũng) đã để lộ những mâu thuẫn của hệ thống đảng-nhà nước điều hành quân đội tại Trung Quốc.

Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa từng được biết đến với lòng yêu nước và kỷ luật khắc nghiệt. Việc liên tục nhồi nhét tư tưởng đã khiến binh sĩ sẵn sàng cho gian khổ và hy sinh. Nhưng kể từ khi cải cách kinh tế, tham nhũng đã trở nên tràn lan.

Trường hợp của ông Quách chỉ là vụ án mới nhất trong một loạt các vụ truy tố các nhân vật quân sự cấp cao, một phần của chiến dịch dài hơi của ông Tập nhằm nhổ tận gốc nạn tham nhũng. Cho đến nay, 60 tướng lĩnh, đang phục vụ hoặc đã nghỉ hưu, đã bị vây bắt.

Cả ông Quách và ông Từ đều bị cáo buộc nhận "một khoản hối lộ đặc biệt lớn", phần lớn đến từ việc bán chức quyền. Hàng trăm cán bộ cấp cao của quân đội Trung Quốc bị đồn đại là có liên quan.

img

Ông Từ Tài Hậu qua đời trước khi kịp trả lời về các cáo buộc tham nhũng

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã cảnh báo rằng tham nhũng trong hàng ngũ đảng và quân đội trở nên quá phổ biến, có thể làm suy yếu chế độ và sức mạnh chiến tranh của Trung Quốc. Chiến dịch càn quét chống tham nhũng diễn ra vào thời điểm nước này đang tìm cách tăng cường sức mạnh trong các động thái bất hợp pháp trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Sự sụp đổ của ông Quách và ông Từ được xem như dấu hiệu thành công của chiến dịch chống tham nhũng. Thế nhưng, việc đánh giá chiến dịch không nên dựa trên số lượng “con hổ” bị bắt, mà phải dựa trên kết quả cuối cùng. Liệu chiến dịch có thể dẫn đến một cuộc "đại tu" hệ thống chính trị, nơi đang là một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng hay không.

Tuy bộ máy tuyên truyền luôn khen ngợi thành tích chống tham nhũng, họ không đưa ra những câu hỏi thực sự ý nghĩa như: Tại sao hai tướng trên lại được thăng chức mặc dù rất “tồi tệ”? Ai là người thăng chức cho họ? Có gì sai trái trong hệ thống chính trị cho phép một đại dịch như vậy lây lan dữ dội mà không bị kiểm tra?

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Không nên đánh giá thấp các thiệt hại do hai vị tướng trên gây ra. Vấn đề đầu tiên liên quan đến thẩm quyền của nhiều chỉ huy hiện tại, vì một số người được thăng quan tiến chức nhờ hối lộ chứ không phải tài năng. Một quan ngại khác là độ tin cậy của sự huấn luyện, hậu cần và thiết bị quân sự tại Trung Quốc. Thách thức nghiêm trọng nhất là tham nhũng đã phá hủy niềm tin của các sĩ quan và binh sĩ.

Sự hiện đại hóa nhanh chóng của quân đội Trung Quốc sẽ không thể đảm bảo Trung Quốc chiến thắng trong một cuộc chiến tranh, mà đạo đức và chất lượng của quân đội Trung Quốc với 2,3 triệu người mới là điều chủ chốt. Nếu các thành viên quân đội Trung Quốc quan tâm đến sự giàu có hơn là phục vụ đất nước, thì làm sao họ có thể liều mạng vì nước?

Vì vậy, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu sự lãnh đạo tại Trung Quốc có đủ thực tế và dũng cảm để cải cách cơ bản, "đại tu" hệ thống chính trị và tái cơ cấu quân đội hay không.

img

Thách thức nghiêm trọng nhất là tham nhũng đã phá hủy niềm tin của các sĩ quan và binh sĩ Trung Quốc

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem