Tổng Kiểm toán thông tin "nóng" về trách nhiệm liên quan ở các "đại án" Phúc Sơn, Thuận An và SCB
Tổng Kiểm toán Nhà nước thông tin "nóng" về trách nhiệm liên quan ở các "đại án" Phúc Sơn, Thuận An và SCB
Nguyễn Tuyền
Thứ tư, ngày 05/06/2024 10:57 AM (GMT+7)
"Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước, họ không thuộc đối tượng được kiểm toán và không thuộc đơn vị được kiểm toán, nhưng họ có đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán", ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.
Lời khẳng định của Tổng Kiểm toán Nhà nước trước câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình về vai trò trách nhiệm của Kiểm toán đối với hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng là Phúc Sơn, Thuận An thời gian qua.
SCB, Thuận An và Phúc Sơn không liên quan đến hoạt động kiểm toán Nhà nước
Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước, họ không thuộc đối tượng được kiểm toán và không thuộc đơn vị được kiểm toán, nhưng họ có đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Đại án Phúc Sơn là doanh nghiệp bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng, không liên quan đến hoạt động của kiểm toán Nhà nước.
Còn Công ty Thuận An, ông Tuấn khẳng định, doanh nghiệp có vi phạm pháp luật trong đấu thầu. "Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là đánh giá tuân thủ, quy chế tuân thủ của đơn vị được kiểm toán, trên cơ sở hồ sơ tài liệu do đơn vị được kiểm toán do chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp, Kiểm toán sẽ rà soát lại toàn bộ quy định pháp luật và đưa ra kiến nghị", Tổng Kiểm toán nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, trong quá trình kiểm toán thực hiện cả 3 nội dung là đánh giá tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; xác nhận việc tuân thủ pháp luật đấu thầu, đầu tư, xây dựng cơ bản và xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công.
Ông Tuấn nói thêm, trong việc kiểm toán chấp hành pháp luật về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là chủ đầu tư, ban quản lý dự án cung cấp thì kiểm toán tiến hành thu thập bằng chứng để phục vụ cho kết luận của mình về tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính.
Trong quá trình kiểm toán độc lập sẽ xét toàn bộ, trong đó, riêng về lựa chọn nhà thầu sẽ xét việc chấp hành gọi thầu có đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Trong quá trình kiểm toán, đã chỉ ra sai sót và kiến nghị xử lý từ tài chính, hoàn thiện văn bản, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của ngành, ông Tuấn cho rằng, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc kiểm toán, phát hiện kịp thời những sai phạm về tài chính để có kiến nghị tăng thu, giảm chi, góp phần tăng hiệu quả, giảm thất thoát tài chính công, tài sản công.
Tổng Kiểm toán kiến nghị, sửa đổi kịp thời các bất cập của cơ chế, chính sách. Từ đó, kịp thời vá lỗ hổng để chống thất thoát, lãng phí.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan chức năng để kịp thời đưa ra ánh sáng các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để xử lý việc chồng chéo, chồng lấn trong thanh tra - kiểm toán để giảm phiền hà cho đơn vị bị kiểm toán.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về hàng loạt sai phạm của Ngân hàng SCB sau khi kiểm toán độc lập vào cuộc, Kiểm toán Nhà nước có kiến nghị gì?.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn thông tin, SCB bị truy tố và bị xét xử 3 tội danh: Thao túng thị trường chứng khoán, chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ.
"Ba vấn đề này không liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước vì không thuộc phạm vi. SCB thuộc đối tượng buộc kiểm toán độc lập, trách nhiệm thuộc về kiểm toán độc lập", ông Tuấn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.