Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nói gì về thương vụ thoái vốn nghìn tỷ của Vinaconex?

Huyền Anh Thứ năm, ngày 06/12/2018 16:03 PM (GMT+7)
Nêu quan điểm về thương vụ thoái vốn nghìn tỷ tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ông Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu không cho Vinaconex chuyển mục đích sử dụng quỹ đất thì đất vàng cũng chỉ là đất, không có ý nghĩa.
Bình luận 0

Câu chuyện Công ty An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông chỉ với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, nhưng cđã chi 7.366 tỷ đồng để sở hữu 254,9 triệu cổ phần, tương đương 57,71% vốn cổ phần tại Vinaconex. Với mức giá này, An Quý Hưng đã phải chi cao hơn 2.000 tỷ so với tính toán ban đầu của SCIC và gấp 14 lần vốn điều lệ của công ty này khiến không ít nhà đầu tư băn khoăn về năng lực của cổ đông lớn Vinaconex. 

Vấn đề này cũng đã được Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc bình luận ở một góc nhìn từ quỹ đất tại hội thảo Kiểm toán việc quản lý sử sụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng nay, ngày 6.12.

Cổ phần hóa Vinaconex nhìn từ quỹ đất

Đề cập về vấn đề quỹ đất lớn của Tổng công ty Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trong thương vụ thoái vốn nghìn tỷ vừa qua, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho rằng nếu không cho chuyển mục đích sử dụng quỹ đất thì quỹ đất của doanh nghiệp cũng chỉ đất, đất vàng cũng chỉ là đất.

“Nhà đầu tư cứ nghĩ rằng mua được cổ phần của công ty này thì sẽ là ông chủ của công ty và đồng thời sẽ nắm được đồng loạt những dự án đất vàng của doanh nghiệp đó. Thế nhưng, nếu như những khu đất vàng này không được chuyển mục đích sử dụng thì nó hoàn toàn không có ý nghĩa”, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc bình luận. 

Theo Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc, với trường hợp của Vinaconex hay như vấn đề hãng phim truyện Việt Nam, định giá cho doanh nghiệp với giá 0 đồng nhưng không cho chuyển mục đích sử dụng thì đất vàng cũng chỉ là đất mà thôi.

img 

Công ty TNHH An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông hiện sở hữu trên 57% vốn điều lệ tại Vinaconex sau đấu giá

Ông Phớc cũng nói thêm rằng, để hạn chế những nhà đầu tư nhìn vào “quỹ đất” của doanh nghiệp thay vì giá trị thực sự của doanh nghiệp thì nhà nước cần quy định việc quản lý sử dụng đất theo mục đích đã định, mục đích đã thuê.

“Doanh nghiệp không được phép chyển mục đích sử dụng đất. Khi doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng đất thì phải trả lại đất đó cho Nhà nước để Nhà nước tổ chức đấu giá. Như vậy chắc chắn nhà đầu tư sẽ không nhìn vào đất vàng nữa, mà giá trị của doanh nghiệp sẽ được đưa về giá trị thực chất.

Còn hiện nay đang có khe hở rằng, khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhà đầu tư mua doanh nghiệp và sẽ sử dụng được khu đất vàng đấy. Sau này khi chuyển khu đất vàng thành nhà ở hay đất thương mại hay chuyển mục đích sử dụng đất thì họ sẽ có lợi từ chênh lệch giá. Đây là một lỗ hổng để thất thoát ngân sách”, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc nhận định.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm, nên quy định nếu là DNNN, khi thuê đất làm trụ sở hay thuê đất làm văn phòng thì sau nay thành doanh nghiệp cổ phần hay tư nhân thì vẫn phải đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng khi Vinaconex nắm trong tay 1 quỹ đất khổng lồ thì toàn bộ câu chuyện cổ phần hoá có nguy cơ chuyển thành việc bán tài sản nhà nước. Tình trạng này xảy ra hàng loạt ở Đà Nẵng hay các tỉnh thành khác và đều ở trong tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước.

Truy thu 575 tỷ đồng tiền thuế từ Unilever

Bên lề hội thảo, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết KTNN đã phát đi công văn đề nghị Tổng cục Thuế phải tiến hành thu thuế và phải có biện pháp thu thuế đối với trường hợp của Unilever với số thuế gần 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, có xử phạt hay không thì cơ quan thuế sẽ phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.

Ông Phớc nói “Thực ra hiện nay đối với các doanh nghiệp sau khi kiểm toán hay thanh tra thuế thì gần như cũng đưa ra những lý do để tránh vấn đề phải nộp ngân sách với những lý lẽ là họ làm đúng nhưng lại không cung cấp được chứng cứ".

img 

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc trao đổi với báo giới bên lề hội thảo

Ví dụ như doanh nghiệp mở rộng sản xuất thì phải có hồ sơ chứng cứ để chứng minh và KTNN cho họ 6 tháng chuẩn bị nhưng cũng không cụng cấp đủ hồ sơ, tài liệu.

"Chúng tôi cũng đã làm việc với doanh nghiệp nhiều lần, quá trình làm việc cũng mời Tổng cục Thuế TP.HCM, Tổng cục Thuế cùng làm việc chung để xác định số thuế doanh nghiệp phải nộp. Doanh nghiệp đề nghị không phạt chậm nộp chứ không đưa ra được số liệu chứng minh về những khoản loại trừ khoản thuế phải nộp”, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay. 

Cũng liên quan đến câu chuyện trốn thuế, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho rằng chuyển giá để trốn thuế cũng là 1 sơ hở của luật pháp. Nhưng luật thuế của Việt Nam là coi trọng bản chất hơn là hình thức. Tức là bản chất của doanh nghiệp có hoạt động thì doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhưng có những chỗ pháp luật chưa quy định thì doanh nghiệp vẫn có thể lợi dụng để trốn thuế.

"Chẳng hạn như Sabeco. Chúng tôi xác định trường hợp của Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khi đến đại lý cuối cùng mà anh bán cho người tiêu dùng. Thế nhưng, Sabeco lại nói rằng doanh nghiệp chỉ tính thuế khi bán cho đại lý thôi.

Về mặt bản chất thì đại lý đó là của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thành lập ra, đầu tư vốn và người của doanh nghiệp quản lý thì đó là cánh tay nối dài của doanh nghiệp. Khi đại lý đó bán ra thì đó là doanh thu của doanh nghiệp.

Như vậy là quy định pháp luật cần phải chặt chẽ hơn và đặc biệt hệ thống công nghệ thông tin như dữ liệu về giá phải có sự minh bạch. Như thế khi muốn chuyển giá trốn thuế sẽ khó khăn, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem