Tổng Liên đoàn Lao động không nên "ôm" làm nhà ở xã hội
Tổng Liên đoàn Lao động không nên "ôm" làm nhà ở xã hội
Quỳnh Nguyễn
Thứ sáu, ngày 25/08/2023 16:18 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm không đồng tình với quy định Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân và đề nghị nghiên cứu lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chính trị - xã hội này.
Chiều 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.
Lo ngại phát sinh nhiều vấn đề
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Ngày 3/8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất chỉ thực hiện dự án nhà ở với tư cách cơ quan chủ quản, không trực tiếp là chủ đầu tư dự án.
Dự án nhà ở xã hội này chỉ cho thuê, không bán và dùng tài chính công đoàn làm vốn thực hiện, đầu tư. Nhà ở cho thuê được quản lý vận hành như với nhà do Nhà nước đầu tư.
Cơ quan thẩm tra cho biết một số ý kiến đồng tình với đề xuất này của Tổng liên đoàn, vì cho rằng sẽ bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài, các kiến nghị cho rằng cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.
Ở chiều ngược lại, một số ý kiến không tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Lý do, vấn đề này chưa được đánh giá tác động kỹ về nguồn lực, có thể làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả thực hiện dự án, khả năng bảo toàn vốn.
Mặt khác, với cơ chế như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất (nguồn vốn là tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm), sẽ không có đủ nguồn lực đạt mục tiêu đến 2030, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế công đoàn.
"Tổ chức chính trị - xã hội không nên "ôm" việc xây nhà ở xã hội"
Góp ý về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần nghiên cứu chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chính trị - xã hội, có hay không nên làm chức năng hành chính.
"Tôi nghĩ tổ chức chính trị xã hội không nên "ôm" cái này vào", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Lý giải cho quan điểm này, ông Phương lo ngại Tổng Liên đoàn Lao động không có lực lượng đủ mạnh để đảm nhiệm vài trò chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Theo ông Phương, Tổng Liên đoàn Lao động nên làm đúng chức năng của của tổ chức chính trị xã hội (giám sát, phản biện, xã hội, tham mưu về chính sách). Tổng Liên đoàn Lao động là đại diện cho quyền làm chủ của công nhân nhưng không có nghĩa là bất cứ cái gì cũng làm.
Ngoài ra theo ông Phương, Tổng Liên đoàn Lao động cũng không có nguồn lực khi tiền của nhà nước, trong khi không có nhân sự để làm.
"Phải tính kỹ vấn đề này bởi nếu làm khi không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ có thể bị xử lý vi phạm", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Tham gia góp ý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cân nhắc việc Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội. Theo bà, ngay việc cho thuê như đề xuất của Tổng liên đoàn cũng cần có đánh giá tác động toàn diện.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thì cho rằng Tổng Liên đoàn nên có đề án rõ ràng hơn để thuyết phục hơn.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề: "Cần hỏi Tổng Liên đoàn Lao động xem có quyết tâm chỗ này không. Nếu có, cần chỉnh lý lại quy định tại dự thảo luật để không vênh với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư".
Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên chỉnh lý lại theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động được tham gia đầu tư nhà ở xã hội, cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, làm việc tại các khu công nghiệp thuê.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.