Chú thích ảnh từ trái sang: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Pháp François Hollande.
Tổng thống Putin bị "đánh hội đồng" tại G20
Trên nguyên tắc, hội nghị của 20 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và tài chính như thúc đẩy tăng trưởng, chống tệ nạn trốn thuế và cải tiến hệ thống ngân hàng thế giới đề phòng một vụ khủng hoảng mới.
Tuy nhiên, tiếng súng tại Ukraine đã "vang dậy" tới tận Brisbane, Australia. Tại thượng đỉnh G20, Ukraine tiếp tục trở thành tâm điểm khi lãnh đạo các cường quốc phương Tây "đánh hội đồng" Tổng thống Nga Putin.
Tổng thống Mỹ Obama ra đòn phủ đầu: "Mỹ đã đi đầu trong công cuộc chống lại sự xâm lược của Nga đối với Ukraine. Đây là sự đe dọa cho thế giới, chúng ta có thể thấy đó qua thảm họa MH17". Nhà lãnh đạo Mỹ buộc tội cho Moscow là "thủ phạm" gây ra cái chết cho 298 người trong vụ tai nạn thảm khốc này.
Tham dự hội nghị G20 lần này, Tổng thống Nga Putin (thứ 2 từ trái sang) phải đối mặt trực diện với giới lãnh đạo phương Tây về xung đột Ukraine. Những lãnh đạo còn lại trong ảnh (từ trái sang): Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp François Hollande.
Phụ họa theo Mỹ, Thủ tướng Canada Stephen Harper gay gắt lên án Tổng thống Putin: "Tôi cho rằng tôi sẽ bắt tay ngài, nhưng thưa ngài Putin, tôi cần phải nói rằng: hãy rút quân khỏi Ukraine đi đã".
Thủ tướng Anh David Cameron hùng hồn tuyên bố: "G20 có mặt ở đây để gửi đi thông điệp rõ ràng, Nga đã đến lúc phải chấm dứt sự can thiệp vào Ukraine, hoặc đối diện với các biện pháp trừng phạt mới. Tôi cam đoan, nó sẽ rất khắc nghiệt".
Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng mạnh mẽ cảnh báo: "Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa, nếu ông Putin và nước Nga không ngừng can thiệp vào miền Đông Ukraine".
Bản lĩnh và bình thản
Phải đối mặt trực diện với giới lãnh đạo phương Tây về xung đột tại Ukraine, song Tổng thống Putin vẫn chứng tỏ được bản lĩnh của mình khi bình thản tái khẳng định, Nga không có bất kì sự liên can nào trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Đồng thời, nhà lãnh đạo nhấn mạnh, ông thấy rằng, cuộc xung đột ở Ukraine có những triển vọng tốt để giải quyết trước khi bỏ về trước khi thượng đỉnh G20 chính thức kết thúc vì tức giận khi Nga bị cô lập, vây hãm tại hội nghị kinh tế này.
“Tình hình nói chung, theo quan điểm của tôi, có triển vọng tốt để giải quyết. Mặc dù điều này có vẻ lạ, nhưng dù sao thì cả hai phía đã tạo ra được các cấu trúc có thể giải quyết những thách thức trước mắt, ở đây muốn nói đến trước hết là quyền lợi của những người dân sống trên lãnh thổ Ukraine và phía Đông Nam đất nước này”, Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Australia, trước khi ông ra về.
Tổng thống Nga Putin.
Đồng thời, Tổng thống Putin cũng gửi đi thông điệp: "Nga muốn bình thường hóa quan hệ với phương Tây, chúng ta không muốn có chiến tranh lạnh. Hãy kìm chế và cùng suy nghĩ về lợi ích".
Chính phủ lâm thời của Ukraine đã phát động chiến dịch đặc biệt nhằm trấn áp những người biểu tình ủng hộ liên bang hóa ở Đông Ukraine từ giữa tháng 4, dẫn đến các cuộc đụng độ, giao tranh bạo lực làm hàng nghìn người thương vong tại các điểm nóng như Slavyansk, Kramatorsk, Odessa và Mariupol. Moscow đã nhiều lần lên án chiến dịch quân sự của Kiev và kêu gọi đối thoại toàn quốc ở Ukraine.
Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, số nạn nhân thiệt mạng trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã vượt quá 4.000 người, hơn 9.000 người khác bị thương.
Phương Đăng (theo Reuters) (Theo VOR)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.