Thưa ông, tình trạng dự án “treo” hoặc dự án triển khai quá chậm đang diễn ra phổ biến và từ lâu ở các địa phương trong cả nước, như tại xã Vĩnh Thái, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có tới 11 dự án treo, gây bức xúc cho nhân dân. Tại sao đến nay tình trạng này vẫn không thể giải quyết được?
- Theo luật, những dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng không được triển khai trong vòng 1 năm, hoặc đã triển khai nhưng không được thực hiện trong vòng 2 năm thì các cơ quan chức năng có quyền rút giấy phép. Nhưng thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương các dự án đầu tư đã và đang bị biến thái rất nhiều.
|
Khu đất nền chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật tại Khu đô thị mới Mỹ Gia (TP. Nha Trang) đang được rao bán với giá 550 triệu/100m2. |
Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến các chủ đầu tư và các địa phương để "treo" dự án, như khó khăn giải phóng mặt bằng, khủng hoảng kinh tế... Song cũng không loại trừ các yếu tố chủ quan như việc thẩm định dự án không tốt, khả năng đầu tư của doanh nghiệp yếu, địa phương thì chạy theo tăng trưởng GDP, chạy theo con số thu hút vốn đầu tư, không loại trừ cả yếu tố tiêu cực... dẫn tới nhiều dự án đã bị "treo" từ năm này sang năm khác.
Vậy trách nhiệm của tình trạng này thuộc về "ai", thưa ông. Tại sao các địa phương không thực hiện đúng theo luật là phải rút giấy phép các dự án này?
- Hiện một số địa phương đã bắt đầu thực hiện việc rút giấy phép các dự án “treo”. Thực tế là địa phương nào nghiêm minh, kỷ cương cao, có sức ép nội tại (như sức ép từ nhân dân, từ hội đồng nhân dân...) thì làm được điều này. Tuy nhiên, mức độ thực thi của các địa phương đến nay với các dự án “treo” nói chung vẫn chưa kiên quyết, triệt để.
Có thể là địa phương ngại ảnh hưởng đến đầu tư của mình, có thể là các mối quan hệ ràng buộc nào đó, cũng như có nhiều nguyên nhân khác để họ chưa thực thi việc rút giấy phép các dự án “treo” một cách kiên quyết.
Nói như vậy thì chúng ta không có cách gì để giải quyết tình trạng dự án “treo” hiện nay, thưa ông?
- Không thể nói chúng ta không có cách. Nguyên tắc theo luật thì phải rút giấy phép các dự án đầu tư như thế. Tôi cho các cơ quan T.Ư phải có sự kiểm tra, rà soát một loạt các dự án đầu tư tại các địa phương hiện nay. Dự án nào không có khả năng đầu tư thì phải xử lý, kiên quyết rút phép.
Nhưng theo Luật Đầu tư mới hiện nay thì các dự án đầu tư đều được phân cấp và quản lý theo chuyên ngành. Các cơ quan T.Ư cũng không được phép kiểm tra các dự án của địa phương trừ khi Chính phủ có chỉ đạo?
- Việc phân cấp đầu tư theo chuyên ngành và cho địa phương không phải là "cái cớ" để các dự án “treo” tồn tại. Bởi theo luật "ai" cấp phép các dự án này thì phải chịu trách nhiệm, địa phương nào cấp thì địa phương đó phải có trách nhiệm. Theo nguyên tắc, T.Ư phải giám sát các dự án đầu tư của T.Ư; tương tự địa phương cũng vậy. Các bộ có quy hoạch ngành phải duyệt cả quy hoạch đầu tư của địa phương.
Do vậy, muốn để không có các dự án “treo”, kém hiệu quả gây bức xúc cho nhân dân, chúng ta phải có các chính sách kiểm tra, giám sát từ T.Ư tới địa phương. Địa phương không tự giác làm thì Trung ương phải yêu cầu địa phương rút giấy phép hoặc điều chuyển dự án treo đó cho nhà đầu tư nào có khả năng đầu tư.
Nếu vẫn không thực hiện được điều này thì phải kiến nghị Thủ tướng để xử lý. Nếu chúng ta đặt lợi ích quốc gia lên thì sẽ không để sự lãng phí trong đầu tư như với các dự án “treo” hiện nay. Chúng ta không thể tạo tiền lệ xấu với các dự án “treo” để các nhà đầu tư khác cũng làm theo.
Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ KHĐT): Kiểm tra nhiều hơn khi phân cấp
Hiện nay, việc đầu tư và cấp phép đầu tư các dự án (trừ các dự án lớn, cần sự thẩm định của T.Ư) đều đã được phân cấp cho các địa phương. Do vậy, các địa phương cần phải xem lại trách nhiệm của mình. Tới đây, chủ trương của Chính phủ vẫn là phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương trong đầu tư. Theo tôi, đi kèm với sự phân cấp đó thì phải có sự kiểm tra nhiều hơn nữa mới có thể giải quyết được tình trạng các dự án “treo” hiện nay.
Ông Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên trợ lý Bộ trưởng KHĐT: Nên có ràng buộc về tiến độ đầu tư
Tôi nghĩ Bộ KHĐT phải xây dựng càng sớm càng tốt những ràng buộc về tiến độ đầu tư sau khi dự án đầu tư được cấp phép, áp dụng chung cho cả nước. Chúng ta sẽ cho các nhà đầu tư một khoảng thời gian linh hoạt để họ có thể tiến hành đầu tư nhưng cũng phải có những ràng buộc. Ví dụ như quy định, các địa phương bao giờ có thể giao đất, bao giờ dự án phải triển khai. Nếu dự án đầu tư không triển khai phải có chế tài xử lý như thế nào đó. Nếu không tỷ lệ dự án không thực hiện được của chúng ta hiện nhiều quá, gây cho người dân cảm tưởng các nhà đầu tư chỉ muốn xí chỗ.
Mai Nguyễn (ghi)
Như NTNN đã phản ảnh, 11 dự án đang triển khai cầm chừng hoặc “treo” vô thời hạn ở xã Vĩnh Thái đang gây rất nhiều bức xúc cho nhân dân và địa phương. Vậy nhưng, theo điều tra của NTNN thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư đã và đang rao bán đất nền trái quy định của pháp luật… Gần đây nhất, ngày 13.7, Công ty cổ phần Bất động sản Hà Quang (Hà Quang Land) đã tổ chức chào bán đất nền Khu đô thị Venesia các sản phẩm nhà phố, biệt thự vườn và biệt thự ven sông với giá từ 10 - 22 triệu đồng/m2 đất nền.
Trước đó, cuối tháng 11.2010, KĐT Mỹ Gia cũng đã bán được hơn 400 lô đất, bằng 90% số lô đất. Khu biệt thực Giáng Hương Nha Trang thuộc Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư Trung Tín cũng đang được rao bán đất nền trên mạng… Ông Đỗ Hữu Thiệt - Phó Giám đốc Sở KHĐT Khánh Hòa cho biết: Tại Khoản 2, điều 23 Quy chế Khu đô thị mới do Chính phủ ban hành quy định: “Nghiêm cấm việc sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai đầu tư để huy động, chiếm dụng vốn của người mua nhà dưới mọi hình thức”.
Mai Khuê
Mai Hương (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.