TP.HCM: 4 giải pháp để gỡ khó nhà ở trước áp lực dân số tăng

Văn Dũng Thứ tư, ngày 18/09/2019 11:28 AM (GMT+7)
Với dân số hiện nay hơn 13 triệu người, TP.HCM đang đứng trước thách thức lớn về nhà ở, nơi cư trú cho người dân khi dân số gia tăng trung bình 1 triệu người sau mỗi 5 năm.
Bình luận 0

img

TP.HCM đang đứng trước thách thức lớn về nhà ở, nơi cư trú cho người dân khi dân số gia tăng trung bình 1 triệu người sau mỗi 5 năm.

"Việc tìm ra giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người có thu nhập thấp, người nhập cư đang là thách thức của TP.HCM", Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh tại hội thảo “Tìm giải pháp phát triển nhà ở để đáp ứng gia tăng dân số” do UBND TP.HCM tổ chức, ngày 17/9.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, mỗi năm dân số thành phố tăng thêm 200.000 người, trung bình 5 năm tăng thêm 1 triệu người dẫn tới áp lực rất lớn về quản lý đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là vấn đề nhà ở.

TP. HCM hiện có hơn 13 triệu người sinh sống, học tập, làm việc và du lịch nhưng sự phân bố dân cư chưa hợp lý. Trung bình mật độ dân số thành phố là 4.289 người/km2, cao gấp 14,7 lần so với mật độ dân số cả nước, tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm. 

img

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại hội thảo

Tính đến năm 2017, trên địa bàn thành phố có tổng số nhà ở hơn 1,6 triệu căn; trong đó, nhà ở kiên cố chiếm 37,6%, nhà bán kiên cố chiếm 60,1%, còn lại là nhà thiếu kiên cố và đơn sơ. Mặt khác, tính đến tháng 6/2019, diện tích nhà ở bình quân tại thành phố đạt 19,9 m2/người, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người. 

Theo ông Phong, mặc dù, đạt chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn còn bộ phận lớn người lao động và người nhập cư có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn hoặc không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng rất khó khăn.

Trước tình hình đó, TP đã đưa ra chỉ tiêu phát triển nhà ở đến năm 2020 tầm nhìn năm 2025 để từ đó triển khai các chương trình hành động.

Nhiệm vụ đặt ra cho thành phố là bên cạnh việc phát triển nhà ở mới kiên cố sẽ nâng cao, cải thiện chất lượng nhà ở bán kiên cố thành nhà ở kiên cố thông qua chương trình chỉnh trang đô thị, nhất là chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu. 

img

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, giải quyết nhà ở đang là khó khăn, thách thức cho TP.HCM trước áp lực gia tăng dân số, đô thị hoá nhanh.

Chính vì thế, một trong những giải pháp thành phố có thể áp dụng là rà soát, bổ sung kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở triển khai dự án nhà ở. Đồng thời, chỉ đạo có giải pháp cụ thể đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, khai thác và huy động nguồn thu từ quỹ đất.

Trình bày tham luận tại hội thảo, giáo sư Yap Kioe Sheng - Viện Công nghệ Châu Á khuyến nghị, giải pháp phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp bằng việc ưu tiên một số vị trí chiến lược trên toàn thành phố, thiết kế nhà ở phù hợp với điều kiện sống và làm việc của người dân. Cùng với đó là việc thiết kế phương án tài chính phù hợp với tình hình kinh tế của các hộ gia đình có thu nhập thấp. 

Còn theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười - Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cần tìm quỹ đất để triển khai dự án có giá thành rẻ, thủ tục nhanh như: đất sạch, đất công, đất có địa hình cao, giảm chi phí san lấp, hình thức kiến trúc, mặt bằng đơn giản nhưng đầy đủ chức năng căn hộ. 

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 thành phố phấn đấu phát triển thêm 45 triệu m2 sàn xây dựng, giai đoạn 2026 - 2030 phát triển thêm 50,6 triệu m2 sàn xây dựng.

Về định hướng phát triển nhà ở, thành phố sẽ cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cấp phép cho các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại.

Đối với phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh việc khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng, thành phố sẽ rà soát quỹ đất công để mời gọi đầu tư.

img

TP.HCM vẫn còn 20.000 căn nhà “ổ chuột” trên và ven kênh, rạch cần di dời và tạo nơi ở mới an toàn, ngăn nắp cho người dân.

Kết luận hội thảo, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, qua hội thảo với sự góp ý của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, TP cần lưu ý 4 vấn đề để phát triển nhà ở.

Đầu tiên là tầm nhìn mới cần phải cao hơn trong lĩnh vực phát triển nhà ở (phải gắn với quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, của vùng, miền…). Sự phát triển thị trường bất động sản cần được quan tâm, cách làm nhà ở cho người thu nhập thấp cũng phải khác (nhà cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng không thấp).

Thứ hai, phải làm rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi phát triển nhà ở xã hội, trong đó người dân phải là trung tâm của mọi chính sách. “Quy trình để đầu tư, phát triển một dự án nhà ở xã hội hiện nay y chang nhà ở thương mại khiến mọi công việc đều chậm chạp, cần phải có điều chỉnh về điều này để đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu.

Thứ ba, việc cần chỉ ra hiệu quả đầu tư dự án nhà ở xã hội cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Cuối cùng là cần thêm nhiều cơ chế tài chính hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem