TP.HCM: Chợ đầu tiên ở quận Phú Nhuận mở lại, quây vách ngăn, bán rau củ theo combo

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 15/08/2021 10:28 AM (GMT+7)
Chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) mở lại, tiểu thương quây vách ngăn, bán rau củ theo combo để người dân dễ mua hàng và an toàn trong mùa dịch.
Bình luận 0

Chợ Nguyễn Đình Chiểu là chợ đầu tiên tại quận Phú Nhuận vừa mở bán trở lại để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa, thực phẩm tươi sống của người dân trong khu vực.

Chợ Nguyễn Đình Chiểu mở lại, quây vách ngăn, bán combo

Từ hơn 7h sáng, chợ đã bắt đầu nhộn nhịp khách đến mua hàng. Dù vậy, ban quản lý chợ vẫn điều tiết lượng khách ra vào nhằm đảm bảo giãn cách trong thời gian dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.

Hiện chợ Nguyễn Đình Chiểu chỉ có tiểu thương các ngành hàng thực phẩm tươi sống được tổ chức bán lại. Do đó, chợ chỉ đưa vào hoạt động một khu vực nhỏ bên trong nhà lồng, các sạp ở những khu vực khác đều đóng kín.

TP.HCM: Chợ đầu tiên tại quận Phú Nhuận mở lại, quây vách ngăn, bán rau củ theo combo - Ảnh 1.

Tiểu thương chợ Nguyễn Đình Chiểu quây vách ngăn, bán hàng theo combo đóng gói sẵn. Ảnh: Hồng Phúc.

Đáng chú ý, các sạp hàng đều được quây bạt trong suốt nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người mua và người bán. Một số tiểu thương cũng bắt đầu bán hàng theo hình thức combo, đóng gói khổ qua, dưa leo, cà chua… vào từng túi nilon với khối lượng từ 1kg để mua nhanh, bán nhanh.

"Chợ mở lại, bán combo sẵn thế này cho nhanh em ơi. Em mua 2kg, chị lấy 2 túi cho, bán nhanh để khách sau tới mua cũng nhanh, đảm bảo giãn cách phòng dịch", một nữ tiểu thương ngành hàng rau củ quả nói với khách.

Ngoài ra, để việc mua bán nhanh chóng, dễ dàng, các tiểu thương cũng bắt đầu niêm yết giá ngay tại quầy bằng những tấm giấy bìa cứng. Khi có nhu cầu mua mặt hàng nào, khách đi chợ chỉ việc nói, tiểu thương lấy hàng bên trong rồi đưa ngay. Trung bình mỗi người đi chợ cũng chỉ mất khoảng 10 phút.

Chị Liên, tiểu thương ngành rau cho biết chợ mở lại, các loại rau củ vẫn khá phong phú, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhu cầu các loại rau ăn lá và khổ qua, cà chua, dưa leo… khá cao nên chị bán đắt hàng.

Hơn 10h, sạp của tiểu thương ngành hàng thịt heo đã gần hết. Các tiểu thương cho hay, nhu cầu mua thực phẩm tươi sống của người dân rất cao. Theo họ, thông thường, để mua được các loại thịt như ý phải đi vào chợ sớm.

Theo đại diện ban quản lý chợ Nguyễn Đình Chiểu, chợ quay lại hoạt động với chỉ 16 tiểu thương. Các tiểu thương đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, xét nghiệm âm tính trước khi tổ chức lại chợ.

Ban quản lý cũng thực hiện nhiều quy định về việc mở lại các điểm bán thực phẩm tại các chợ truyền thống, đáp ứng yêu cầu phòng dịch do Sở Công Thương TP.HCM hướng dẫn. Ngoài trang bị vách ngăn, lối ra và vào chợ đều tách biệt, người dân phải có phiếu mua thực phẩm do địa phương cấp, đi đúng ngày trên phiếu và bắt buộc khai báo y tế khi đến mua sắm.

Nhiều quận huyện vẫn chưa mở lại chợ

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, hiện TP có 40 chợ đang hoạt động và 197 chợ tạm ngưng (tính cả 3 chợ đầu mối) trong tổng số 237 chợ. So với cuối tháng 7, TP.HCM có thêm 8 chợ được hoạt động lại. 

TP.HCM: Chợ đầu tiên tại quận Phú Nhuận mở lại, quây vách ngăn, bán rau củ theo combo - Ảnh 3.

Tiểu thương đi chợ được yêu cầu khai báo y tế trước khi vào. Ảnh: Hồng Phúc.

Cùng với chợ Nguyễn Đình Chiểu, chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) cũng vừa tổ chức cho 30 tiểu thương ngành hàng tươi sống bán trở lại. Tại huyện Nhà Bè, chợ Nhơn Đức cũng đã tổ chức hoạt động lại với một số tiểu thương để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.

Tuy nhiên, số chợ đang tạm đóng vì dịch vẫn chiếm hơn 2/3, nhiều quận, huyện đóng cửa toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn.

Ngày 13/8, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn yêu cầu Sở Công Thương theo dõi, hướng dẫn UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng phương án tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn đối với các chợ truyền thống và các điểm bán lương thực thực phẩm thiết yếu.

Các quận huyện được yêu cầu bám sát hướng dẫn của Sở Công Thương, căn cứ vào tình hình thực tế khẩn trương khảo sát, đánh giá và xây dựng phương án tổ chức hoạt động lại trong điều kiện an toàn đối với các chợ truyền thống hoặc triển khai phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động.

Đáng chú ý, UBND TP.HCM yêu cầu các quận huyện phải đăng ký thời hạn, tiến độ triển khai, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để Sở Công Thương kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem