TP.HCM: Chưa quản lý nổi thực phẩm bẩn

Thứ ba, ngày 28/08/2012 08:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ đầu tháng 8 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện và xử lý hơn 320 vụ vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm trái phép vào thành phố, tăng 90 vụ so với tháng trước.
Bình luận 0

Tang vật thu giữ gồm khoảng 4.500 con gia cầm, 13 con heo, hơn 4.300kg thịt gia súc, gia cầm và gần 20.000 trứng gia cầm...

Ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. HCM cho rằng, để đáp ứng nhu cầu của hơn 10 triệu dân, TP.HCM phải nhập lượng lớn thực phẩm từ các tỉnh bạn. Việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vì thế cũng trở nên phức tạp, khó khăn hơn. Hiện tại, TP.HCM chỉ mới kiểm soát được 87% nguồn cung thịt heo, khoảng 89% thịt gà vào thành phố, phần còn lại dựa vào yếu tố “may rủi”.

img
Thịt heo bẩn vào TP. HCM bị bắt giữ tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ

Tình trạng thực phẩm chứa chất độc, sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe vẫn phổ biến trên thị trường, khiến người tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho rằng, việc quản lý triệt để vấn đề ATVSTP là điều không tưởng.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM thì hiện thành phố có hơn 37.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang hoạt động, khoảng 70% trong số đó được kiểm tra, quản lý về ATVSTP.

Theo bà Mai, việc kiểm tra, kiểm soát ATVSTP hiện tại phần lớn dựa vào ý thức tự giác của doanh nghiệp và người dân. Chi cục làm nhiệm vụ hướng dẫn để các đơn vị tự kiểm soát và báo cáo lại. Mỗi năm, đơn vị này chỉ có thể tổ chức nhiều nhất là 4 lần kiểm tra tại các cơ sở, nếu phát hiện sai phạm sẽ cho thời hạn 7 ngày để khắc phục, sửa chữa rồi mới quyết định có xử phạt, tước giấy phép kinh doanh hay không.

PGS-TS Nguyễn Khắc Hùng - Viện trưởng Viện Tâm lý Giáo dục cho rằng, hiện còn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khắc phục, xử lý hậu quả ngộ độc thực phẩm tập thể và truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể gây ngộ độc thực phẩm, nên việc quản lý để giảm thiểu ngộ độc thực phẩm chưa được chỉ đạo, xử lý gắt gao. “Ngay cả Luật Hình sự cũng có quy định phạt tù đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn nhưng hình như chưa có phiên tòa nào về vấn đề này diễn ra” - ông Hùng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem