TP.HCM chuẩn bị gì cho lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới?

Bạch Dương Thứ hai, ngày 01/06/2020 18:42 PM (GMT+7)
Các trường tiểu học đang thực hiện công khai kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cho năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trường không có đủ phòng học cho học sinh toàn thành phố học 2 buổi/ngày.
Bình luận 0
TP.HCM chuẩn bị gì cho lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới? - Ảnh 1.

TP.HCM đang gấp rút chuẩn bị cho lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ sách "Chân trời sáng tạo" đứng đầu danh sách lựa chọn

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP gửi UBND TP. Theo đó, các trường tiểu học trên địa bàn TP đã hoàn tất việc lựa chọn SGK lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại thời điểm hiện tại, các trường đang thực hiện công khai kết quả lựa chọn SGK lớp 1. Theo đó, cả 5 bộ SGK lớp 1 do Bộ GDĐT phê duyệt đều được lựa chọn. Cụ thể, bộ sách "Chân trời sáng tạo" do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản dẫn đầu số lượng đăng ký với 121.195 bản ở môn Tiếng Việt, 118.161 bản đối với môn Toán, 119.919 bản đối với môn Tự nhiên và Xã hội…

Kế đến là bộ sách "Cánh diều" do NXB Đại học Sư phạm TP.HCM xuất bản với 20.881 bản ở môn Tiếng Việt, 23.079 bản ở môn Toán, 18.990 bản ở môn Tự nhiên và Xã hội.

Các bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục", bộ "Kết nối tri thức và cuộc sống" và bộ "Cùng học để phát triển năng lực" (đều do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản) được lựa chọn với số lượng ít hơn.

Riêng ở môn tiếng Anh, sách "Family and friends" (thuộc bộ "Chân trời sáng tạo") được nhiều cơ sở giáo dục lựa chọn nhất với 86.942 bản, kế đến là hai sách "I-learn Smart start" và "Explore our world" (thuộc bộ "Cánh diều") với số lượng lựa chọn lần lượt là 40.308 và 3.135 bản.

Ngoài ra, Sở GDĐT đã phối hợp với các trường đại học tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, cơ bản hoàn thành các khóa đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1. Nhằm phục vụ chương trình mới, chỉ tính riêng năm học 2020-2021, cấp tiểu học dự kiến có 6.313 giáo viên/3.550 lớp học, đảm bảo tỷ lệ và đủ số lượng giáo viên dạy lớp 1, trong đó có 3.683 giáo viên dạy nhiều môn.

TP.HCM chuẩn bị gì cho lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới? - Ảnh 2.

Bộ sách "Chân trời sáng tạo".

Vẫn còn thiếu 443 phòng học

TP.HCM hiện có 551 trường tiểu học, trong đó 484 trường công lập (tăng 4 trường so với năm học trước), 73 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia (đạt 13,24%).

Tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày hiện tại đạt gần 73%. Tỷ lệ phòng học trung bình chung là 0,95, trong khi để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trên toàn thành phố, tỷ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/1 phòng học). Vì vậy, hiện nay, một số đơn vị chưa đáp ứng đủ số phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học do dân số cơ học tăng đột biến.

Số phòng học của học sinh lớp 5 ra trường (3.107) so với số phòng học dự kiến cho lớp 1 năm học 2020-2021 (3.550 phòng) còn thiếu 443 phòng học. Số phòng học dự kiến xây mới vẫn chưa đáp ứng được 100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một trong những thách thức đối với một số quận huyện có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là các quận, huyện gặp khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân chưa đồng đều, dân số cơ học tăng cao.

Mặt khác, tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp là 1,34 hiện chưa đáp ứng để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học. Khả năng thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, nhất là Anh văn và Tin học - Công nghệ có thể xảy ra ở một số trường. Hiện chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để chỉ đạo và hướng dẫn các trường bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên tiếng Anh và Tin học.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu, đối với việc chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GDĐT TP báo cáo Bộ GDĐT kết quả chọn SGK lớp 1 theo quy định. Tuy nhiên cần lưu ý một số nội dung khi các bộ SGK lớp 1 được đưa vào áp dụng như: Trình tự các nội dung bài giảng của từng sách có thể sẽ khác nhau; cùng một vấn đề, nhưng khía cạnh tiếp cận khác nhau, cách giảng dạy khác nhau dẫn đến học sinh có thể tiếp thu không đồng đều hay chênh lệch về kiến thức, hoặc bị chênh về chương trình. 

Do đó, Sở GDĐT phải dự báo trước các tình huống và có văn bản hướng dẫn các trường triển khai thực hiện, nhằm đảm bảo việc học cho học sinh được đồng đều và đạt chuẩn.

Về Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ GDĐT, Sở GDĐT cần chủ động đề xuất, kiến nghị Bộ rút gọn quy trình, tránh rườm rà nhưng phải đảm bảo tính khách quan.

Đối với các đợt lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông thời gian tới, sở phải chủ động bám sát các chỉ đạo của Bộ để triển khai hướng dẫn đảm bảo tính khách quan, công bằng, tạo điều kiện cho các bộ sách được tiếp cận và giới thiệu công khai cho các đơn vị để lựa chọn, đồng thời nghiên cứu đưa các bộ SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt lên cổng thông tin điện tử của ngành để có thể lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, kể cả phụ huynh học sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem