Làm bột rau má, diếp cá, tía tô OCOP, cô gái trẻ TP.HCM đưa hình ảnh rau Củ Chi ra thế giới

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 24/09/2022 09:21 AM (GMT+7)
Bột rau má, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen và bột chùm ngây đạt chuẩn OCOP 4 sao của chị Ngọc Hương đã xuất khẩu sang nhiều nước, đưa hình ảnh vùng trồng rau Củ Chi, TP.HCM ra thế giới.
Bình luận 0

Mở rộng vùng trồng, chủ động về mặt kỹ thuật, máy móc, liên tục mở rộng thị trường và mới đây, các sản phẩm bột rau sấy lạnh của chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) được chứng nhận OCOP (One Commune One Product - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Bột rau má, diếp cá, tía tô, lá sen, chùm ngây OCOP

Bột rau má không đường Orama, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen và bột chùm ngây là 5 sản phẩm của Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt đã được UBND TP.HCM công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao trong đợt xét duyệt hồi tháng 3/2022.

Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất của TP.HCM có sản phẩm được TP.HCM làm hồ sơ đề nghị Bộ NNPTNN đánh giá, phân hạng, công nhận cho sản phẩm bột rau má có đường Orama xếp hạng OCOP 5 sao.

"Các sản phẩm bột rau sấy lạnh của chúng tôi đã được công nhận OCOP 4 sao, riêng bột rau má có đường Orama đang chờ được đánh giá, công nhận OCOP 5 sao là niềm tự hào rất lớn. Chứng nhận OCOP là một chứng nhận uy tín, được nhiều nước trên thế giới thực hiện và rất quan trọng đối với các sản phẩm tại địa phương, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp", chị Hương nói.

Làm bột rau má, diếp cá, tía tô OCOP, cô gái trẻ TP.HCM đưa hình ảnh rau Củ Chi ra thế giới - Ảnh 1.

Sản phẩm bột rau má có đường Orama của Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt đang chờ được xếp hạng OCOP 5 sao. Ảnh: Hồng Phúc

Theo chị Hương, chị rất quan tâm chương trình OCOP tại quốc gia khởi đầu mô hình này là Nhật Bản, sau này được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại khu vực Đông Nam Á, chị Hương ấn tượng với mô hình OTOP của Thái Lan (One Tambon One Product - Chương trình mỗi làng một sản phẩm của Thái Lan).

"Khi đến các ngôi làng tại Thái Lan, tôi được giới thiệu đây là sản phẩm đặc trưng của làng tôi, mời khách dùng thử và mua về làm quà. Điều này cho thấy làng mạc nào cũng đang tận dụng những sản phẩm có lợi thế, bản sắc riêng để làm kinh tế, họ quảng bá tốt và tính hiệu quả cũng rất cao", chị Hương nói.

Vì vậy, ngay khi biết Chương trình OCOP của Việt Nam được triển khai trên toàn quốc và TP.HCM cũng đang tìm kiếm các sản phẩm OCOP, với ý nghĩa rất đúng với mô hình nhiều nước trên thế giới đang triển khai để phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy các giá trị nội sinh, chị Hương không ngần ngại, quyết định đăng ký tham gia, xét duyệt ngay.

"Trong tay tôi lúc đó đã có sản phẩm rồi, quy trình sản xuất đều theo các tiêu chuẩn ngay từ đầu nên quyết định đăng ký xét duyệt luôn. Các loại bột rau sấy lạnh của công ty đã được chứng nhận OCOP, gắn sao OCOP trước mắt đã được tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối đưa vào các hệ thống siêu thị lớn, tiếp cận người tiêu dùng", chị Hương nói.

Đưa hình ảnh vùng rau Củ Chi ra thế giới

Củ Chi là vùng trồng rau lớn tại TP.HCM, không chỉ cung cấp cho thị trường thành phố mà còn một số tỉnh thành xung quanh. Những cánh đồng rau bạt ngàn của quê hương thôi thúc chị và các cộng sự trẻ khởi nghiệp, nhưng phải là một sản phẩm từ rau chế biến sâu thay vì bán rau tươi trực tiếp.

Chọn cây rau má, ý tưởng của chị Hương là làm bột rau má với mục tiêu muốn có sản phẩm tiện lợi, an toàn dành cho những người bận rộn. Bột rau sau khi pha là có thể dùng ngay và chất dinh dưỡng không thay đổi so với rau má tươi.

Làm bột rau má, diếp cá, tía tô OCOP, cô gái trẻ TP.HCM đưa hình ảnh rau Củ Chi ra thế giới - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Ngọc Hương và trang trại rau má - vùng nguyên liệu do công ty tự canh tác nhằm kiểm soát tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Ảnh: N.H

Năm 2016, Công ty Thiên Nhiên Việt chính thức được thành lập. Đó cũng là lúc Hương tập trung toàn bộ để làm sản phẩm, từ kiểm soát nguyên liệu đầu vào, máy móc, nhất là đảm bảo theo tiêu chuẩn của các thị trường lớn trên thế giới. 

Chị đầu tư vào một trang trại trồng rau khoảng 10.000m2 tại huyện Củ Chi, điểm đặc biệt là sử dụng toàn bộ chế phẩm sinh học để trồng và chăm sóc cây ăn lá để đảm bảo sức khỏe người dùng. 

"Thay vì mua rau có sẵn thì tự mình trồng luôn để kiểm soát được chất lượng. Tiếp đến phải tìm hiểu, nghiên cứu công nghệ chế biến rau tươi thành bột rau sấy lạnh. Máy móc cũng phải tự mày mò, bởi nhập từ nước ngoài thì rất đắt và không phù hợp rau Việt Nam. Tôi phải thử và sai nhiều lần, hơn 1 năm mới bắt đầu hoàn chỉnh công nghệ và ra được sản phẩm ưng ý", chị Hương nói.

Làm bột rau má, diếp cá, tía tô OCOP, cô gái trẻ TP.HCM đưa hình ảnh rau Củ Chi ra thế giới - Ảnh 4.

Một số loại bột rau khác như bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen, bột chùm ngây của Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt cũng đã được công nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Hồng Phúc

Sau thành công của bột rau má sấy lạnh, một số loại bột rau khác như bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen, bột chùm ngây… đã ra đời. Mỗi loại rau đều đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Các sản phẩm bột rau sấy lạnh này được đánh giá rất cao khi được sản xuất dựa trên một chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu đầu vào, chế biến, sản xuất cho đến các kênh tiêu thụ ở đầu ra.

Các sản phẩm bột rau sấy lạnh của Ngọc Hương hiện nay đã có mặt tại các kênh bán lẻ khắp cả nước, các cửa hàng thực phẩm sạch và đặc biệt là đã xúc tiến xuất khẩu thành công sang nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Âu khác. 

Chị Hương vui mừng khi câu chuyện của vùng trồng rau Củ Chi đã có thể đến được người tiêu dùng trên cả nước cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới thông qua sản phẩm bột rau sấy lạnh của mình. Với việc được gắn sao OCOP, chị Hương kỳ vọng đây sẽ là một "bảo chứng" để được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin dùng, ủng hộ và thị trường sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem