Thành phố khoác áo mới
Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, ngày còn nhỏ, những gì tôi biết về Việt Nam chỉ là cuộc chiến, những người Mỹ đã chiến đấu và chết tại đó. Khi lớn lên, tôi mới có cơ hội dành trọn 9 tháng để khám phá Việt Nam. Đó là những năm đầu của thập niên 90, khi Mỹ và Việt Nam mới bắt đầu hiểu nhau hơn đôi chút, cũng là lần đầu tiên người Mỹ được phép đến Việt Nam kể từ sau cuộc chiến.
|
Nhà văn Mỹ Dana Sachs |
Khi tới nơi, tôi nhận ra rằng VN không phải là mảnh đất chỉ có chiến tranh. VN có một lịch sử lâu đời, một nền văn hóa phong phú. Tôi rất thích thú về điều đó và đã quyết định quay trở lại sống ở VN một thời gian, viết về những điều khác với cuộc chiến, để làm sao độc giả Mỹ có thể hiểu về đất nước này một cách sâu sắc hơn, chứ không chỉ nghĩ đến chiến tranh khi nghe nhắc tới cái tên VN.
Hà Nội - nơi tôi đặt chân đến đầu tiên, cũng là nơi tôi gắn bó phần lớn thời gian sống ở VN. Tuy nhiên, TP.HCM, nơi tôi ghé thăm mới thực sự để lại nhiều ấn tượng khó quên. Trước khi đến, tôi tưởng tượng về một TP.Hồ Chí Minh xơ xác vừa bước ra khỏi cuộc chiến, nhưng sự thật không phải vậy! Đến TP.Hồ Chí Minh, tôi được thả bộ trên những con đường tấp nập.
Một thành phố thực sự nhộn nhịp, sôi động và tràn đầy sức sống trẻ. Diện mạo thành phố thay đổi nhanh chóng, mỗi lần đến, với tôi là một cảm xúc khác nhau, tôi thấy thành phố như vừa khoác lên mình một chiếc áo mới vừa vặn, xinh tươi.
Hiểu VN qua cái nhìn người Mỹ
Cứ như vậy, tôi đã gắn bó với VN suốt hơn 20 năm qua. Càng viết về VN, càng sống ở VN, tình bạn của tôi với người Việt càng sâu sắc hơn. Ý tưởng viết về VN càng tuôn trào trong tôi.
Nếu tinh ý, nhiều người Mỹ đã từng tham chiến ở VN, giờ trở lại vẫn có thể nhận ra được một phần ký ức đan xen trong vẻ hiện đại của TP.HCM hôm nay. Đó là nét Sài Gòn xưa cũ vẫn còn thấp thoáng phía sau những khu phố Tây tầng thấp.
Nhà văn Mỹ Dana Sachs
Khi tôi nghiên cứu viết cuốn "If You Lived Here" (Nếu bạn sống ở đây), tôi tìm thấy những bức ảnh trên Internet về chiến dịch sơ tán trẻ em khỏi VN có tên gọi là "Operation Babylift". Những bức ảnh ấy đã cuốn hút tôi, bởi như tôi đã nói, tôi thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đất nước này chứ không phải là cuộc chiến. Nhưng tôi cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn ảnh những đứa trẻ ở Sài Gòn được đưa ra khỏi VN ngay trước khi cuộc chiến kết thúc vào tháng 4.1975.
Tôi tự hỏi, tại sao trẻ em lại bị đưa khỏi VN ngay trước khi chiến tranh kết thúc, đất nước trở lại hòa bình? Tôi đã quyết định tự mình tìm hiểu và đã rất đau đớn khi biết rằng, phần lớn những em bé đó là trẻ mồ côi, là con lai giữa VN và Mỹ. Chúng được đưa ra khỏi đất nước này vì những lời đồn thổi thất thiệt sau khi chiến tranh kết thúc.
Giờ đây, những em bé năm xưa đã trưởng thành, đã có một quê hương thứ hai để trú ngụ. Nhưng tôi thấy, dường như họ vẫn đau đáu nhớ về quê hương VN, nhớ về tuổi thơ Sài Gòn của mình. Đó cũng là lý do tôi muốn viết nhiều hơn nữa về đất nước VN hôm nay, không chỉ để những người Mỹ hiểu hơn về đất nước này, mà còn để cho những người con nước Việt ở Mỹ hiểu về đất nước của họ qua cách nhìn của một người Mỹ.
Đăng Thúy (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.