Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng kế hoạch - tài chính - tổng hợp (Sở Công Thương) đánh giá như vậy tại buổi khảo sát mới đây của HĐND thành phố về các sản phẩm chủ lực TP.HCM.
Cụ thể, buổi khảo sát chiều ngày 11/5 chỉ mới tập trung vào nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.HCM. Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm của từng phòng ban trong Sở Công Thương, với sản phẩm chủ lực nói chung, sở này cũng đã đưa ra những nhận xét ban đầu.
Ông Nguyễn Nguyên Phương từng có nhiều năm làm việc ở Phòng thị trường và đồng hành cùng với ngành nông nghiệp thành phố, trước khi chuyển sang công tác tại Phòng kế hoạch.
Theo ông Phương, TP.HCM có một số sản phẩm nông nghiệp nổi trội hơn các sản phẩm khác, và đã được chọn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo các tiêu chí thành phố đã ban hành.
Tuy nhiên đến nay, cần phải có sự đánh giá lại, việc lựa chọn như thế đã chuẩn xác hay chưa, quá trình triển khai đạt hiệu quả như thế nào. Bởi theo ông Phương, khi so sánh tiềm năng và thế mạnh với các địa phương khác cùng làm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực của TP.HCM thì vẫn còn thua kém.
Đơn cử như con heo, tổng đàn heo của thành phố ít, khả năng phát triển đàn giống cũng chưa thể so sánh với tỉnh Đồng Nai. Việc chọn con tôm nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực cũng là một sự lãng phí. Vì khả năng nuôi tôm như ở huyện Cần Giờ cũng không thể so sánh với các tỉnh thành ở ĐBSCL.
Ở góc độ thương mại, làm ra sản phẩm nông nghiệp đã khó, bán được sản phẩm còn khó hơn. Sản phẩm nông nghiệp nói chung của thành phố hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường do nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ xong.
"So với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các tỉnh thành khác, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố chỉ mạnh khi so sánh với chính mình chứ chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường rộng lớn", ông Phương nhận xét.
Từ đó, ông Phương nêu quan điểm, bên cạnh việc đánh giá chủ quan, cách thức xét chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực cần có thêm ý kiến khách quan. Có thể mời các chuyên gia thương mại, các giám đốc thu mua của hệ thống phân phối đánh giá, tư vấn sản phẩm nào đủ sức cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.
"Khi đó thành phố sẽ có lựa chọn đầu tư hợp lý hơn, trong đó có công tác giống vốn là một thế mạnh của TP.HCM", ông Phương nói.
Ông Dương Hoa Xô – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM thì cho rằng, nhận xét của đại diện Sở Công Thương là chưa hoàn chỉnh và thấu đáo. Bởi vì, định hướng nông nghiệp của TP.HCM là tập trung vào công tác giống cây trồng, giống vật nuôi chứ không chạy theo số lượng sản phẩm hàng hóa.
Ông Xô đưa ví dụ, đàn heo của thành phố chỉ có 300.000 con nhưng sau dịch tả heo châu Phi chỉ còn khoảng 170.000 con. Hiện thành phố đang tập trung phát triển đàn heo giống gốc, bên cạnh đó là công tác nhập giống chất lượng từ nước ngoài.
Cùng với công tác giống, thành phố tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao. Sở NNPTNT và các đơn vị liên quan có trách nhiệm trong việc phát triển công nghệ, tạo đầu vào công nghệ cho doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng.
"Tức là giá trị của nông nghiệp thành phố phải được nhìn nhận là giá trị về công nghệ. Sở NN&PTNT sẽ giải trình cụ thể trước HĐND thành phố về sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà Sở có trách nhiệm triển khai", ông Xô nói.
Tháng 10/2018, UBND TP.HCM ký quyết định ban hành danh mục nhóm sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thành phố.
Theo đó, thành phố ban hành tiêu chí và danh mục nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố thuộc 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản có tỷ trọng và giá trị cao; có khả năng mở rộng sản xuất giống, phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; có khả năng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn ngoại thành trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Danh mục nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Nhóm sản phẩm cây trồng gồm rau và hoa, cây kiểng; nhóm sản phẩm chăn nuôi gồm bò sữa (con giống, sữa) và heo (con giống, thịt); nhóm sản phẩm thủy sản gồm tôm nước lợ. Cá cảnh được xác định là nhóm sản phẩm có tiềm năng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.