TP.HCM: Doanh nghiệp tăng tốc với đơn hàng cuối năm

Quốc Hải - Phương Uyên Thứ năm, ngày 04/11/2021 16:50 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đang từng bước gia tăng sản xuất. Một mặt, DN muốn cho đối tác thấy sự hoạt động ổn định sau quãng ngày giãn cách vì dịch Covid-19. Quan trọng hơn, đà tăng tốc này giúp các DN tự tin nhận thêm đơn hàng mới để tăng tốc xuất khẩu cuối năm cũng như quý I/2022.
Bình luận 0

Sau hơn 4 tháng trì trệ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các DN ngành dệt may tại TP.HCM đã dần quay trở lại nhịp độ sản xuất thời điểm trước dịch.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP.HCM (Agtex) - cho biết:Tại nhiều DN trong ngành, dự trữ các đơn hàng tồn đọng chưa sản xuất còn khá nhiều. Đặc biệt, hơn 1 tháng TP.HCM mở cửa trở lại, nhiều đơn vị đã nhận các đơn hàng mới bổ sung để có thể làm qua tết Nguyên đán 2022, thậm chí hết quý 2/2022.

TP.HCM: Doanh nghiệp tăng tốc với đơn hàng cuối năm - Ảnh 1.

Các DN ngành dệt may đang tăng tốc sản xuất những tháng cuối năm - Ảnh: Quốc Hải

Ngành dệt may nhận đơn hàng đến quý 2/2022

Hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, Công ty TNHH May mặc Dony hiện đang tăng công suất để kịp trả đơn hàng cho đối tác. Điều đáng mừng, ngay khi hoạt động trở lại, Dony ngay lập tức đã ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Trung Đông, Mỹ và Nhật Bản, với tổng giá trị khoảng 2 triệu USD.

"Với quy mô gần 100 lao động, Dony phải làm liên tục từ nay cho đến tháng 3 - tháng 4 năm sau mới hết đơn hàng đã ký. Hiện, công ty cũng đang tiếp xúc thương thảo với một số đối tác lớn nữa, khả thi của việc ký hợp đồng rất cao" - ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, nói.

Lý giải thêm về việc nhiều DN may mặc hiện nay "tới tấp" nhận đơn hàng, ông Quang Anh cho hay, do thị trường Trung Quốc đang thiếu năng lượng, nên công suất ngành dệt may đang giảm và điều này tạo cơ hội cho nhiều thị trường may mặc khác, trong đó có Việt Nam.

Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP.Thủ Đức) cũng hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, với gần 600 công nhân. Doanh nghiệp này hiện đang nỗ lực để xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu.

TP.HCM: Doanh nghiệp tăng tốc với đơn hàng cuối năm - Ảnh 2.

Công nhân Công ty May mặc Dony đang kiểm tra khẩu trang vải thành phẩm trước khi đóng gói xuất khẩu - Ảnh: Quốc Hải

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cũng cho hay, hiện quần áo của Việt Thắng Jean đã lên kệ ở khắp châu Âu để bán vào dịp Noel và năm mới thông qua vận chuyển bằng máy bay. Ngoài ra, công ty đã nhận đơn hàng sản xuất đến hết tháng 6/2022.

Không chỉ Dony hay Việt Thắng Jean, hàng loạt DN dệt may khác tại TP.HCM cũng đang tăng tốc hoạt động để trả đơn hàng tồn đọng, đón đơn hàng mới để bắt kịp đà tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm.

Ông Phạm Xuân Hồng đánh giá, các DN ngành dệt may đang "hừng hực" khí thế hoạt động. Bởi, sau khoảng thời gian dài trì trệ vì dịch Covid-19, công nhân đang rất cần việc và thu nhập.

"Có nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp các đơn hàng. Tôi cho rằng, đây cũng là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp dệt may phía Nam trong 3 tháng cuối năm" - ông Hồng nhấn mạnh.

Dù vậy, cũng đang có không ít khó khăn với ngành dệt may, đó là việc giá nguyên vật liệu đang tăng mạnh.

"Hiện nay, giá nguyên liệu chính và cả phụ liệu đều tăng nhiều. Có loại tăng 15%, có loại tăng 8-10% nhưng phổ biến vẫn là tăng từ 15%-20%, cá biệt có loại tăng gấp rưỡi nhưng không chiếm tỷ lệ chính trong cơ cấu sản phẩm của Dony nên chúng tôi cũng không lo lắng lắm. Dù vậy, rõ ràng khi giá nguyên vật liệu tăng nên khi báo giá cho khách hàng thì tốc độ trả lời của khách hàng cũng chậm so với trước" - ông Phạm Quang Anh thông tin.

TP.HCM: Doanh nghiệp tăng tốc với đơn hàng cuối năm - Ảnh 4.

Dù vậy, ngành dệt may cũng đang đối diện với giá nguyên vật liệu tăng cao - Ảnh: Quốc Hải

Cũng trăn trở không kém, ông Phạm Văn Việt cho hay, dù nguyên phụ liệu tăng giá và chậm giao hàng, nhưng các doanh nghiệp dệt may chưa thể tăng giá thành phẩm trong ngắn hạn.

"Do thị trường mới phục hồi rất khó để tăng giá sản phẩm. Hiện chúng tôi đang tập trung công tác tiết kiệm các nguyên vật liệu, tiết kiệm hết mức chi phí đầu vào có thể" - ông Việt nói.

Nông sản cũng tăng tốc

Không chỉ lĩnh vực dệt may, các DN ngành nông sản ở TP.HCM cũng đang bắt nhịp tăng tốc sau hơn 1 tháng thành phố mở cửa.

"Tính đến thời điểm hiện tại, các khu chế xuất – khu công nghiệp tại TP.HCM có số DN đăng ký hoạt động trở lại là 1.342 (đạt 95%); tổng số lao động là 216.000 (đạt 75%); Còn tại Khu Công nghệ cao TP.HCM đã có 100% DN hoạt động trở lại và tổng số lao động là 145.000, đạt 84%.

Có 6.500 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp - khu chế xuất hoạt động trở lại. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức đang tiếp tục cập nhật số lượng doanh nghiệp đăng ký phương án hoạt động lại để gửi về Sở trong thời gian tới" - Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết.

Tại Công ty Duy Anh Foods - dù mới mở cửa được hơn 3 tuần nay nhưng DN này đã xuất khẩu được 12 container sang thị trường châu Âu. Theo ông Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty, được mở cửa hoạt động và bảo đảm an toàn phòng chống dịch là quá tốt sau khi nhà máy của DN này phải tạm ngưng hoạt động trong 3 tháng trước đó.

"May là TP kích hoạt nền kinh tế trở lại, nguy cơ mất đơn hàng của DN còn "cứu vãn" được. Nếu để họ chờ lâu hơn, hoặc sẽ đặt hàng các tỉnh khác, thậm chí chuyển sang thị trường lân cận" - ông Toàn nói và cho biết, việc xuất khẩu được 12 container trong 3 tuần qua có ý nghĩa rất lớn với Duy Anh Foods.

"Chúng tôi hy vọng những gam màu sáng cho sản xuất xuất khẩu chế biến nông sản sẽ có trong quý 4 này và là quý tăng tốc của các DN nói chung" - ông Toàn bộc bạch.

TP.HCM: Doanh nghiệp tăng tốc với đơn hàng cuối năm - Ảnh 6.

Xuất khẩu nông sản cũng dự kiến bứt tốc những tháng cuối năm - Ảnh: Quốc Hải

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, dự báo những tháng cuối năm là cơ hội xuất khẩu trái cây vì thời điểm này nhu cầu tiêu thụ cao nhất trong năm.

"Trong tháng 10, tình hình kẹt container trên các thị trường tiêu thụ rất nghiêm trọng do các nước chuẩn bị trữ hàng cho mùa tiêu thụ cuối năm. Mặt hàng trái cây không trữ được thường sẽ được mua vào tháng 11, khi đó tình hình kẹt tàu đã bớt căng thẳng. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng được lượng hàng xuất khẩu vì nhu cầu đặt hàng của các đối tác rất lớn" - ông Tùng bày tỏ.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare (huyện Bình Chánh) chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm tương ớt lên men Chilica cho biết, đến nay nhà máy đã khôi phục sản xuất hơn 90% sau khi thành phố mở cửa. Đặc biệt, hơn 500 điểm phân phối sản phẩm của Chilica tại TP.HCM đã bắt đầu nhập hàng và giới thiệu đến người tiêu dùng.

"Công ty đã đầu tư dây chuyền tự động, công suất lớn để sản xuất phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhờ tự động và số hóa ngay từ đầu nên Công ty đã giảm được những khó khăn do dịch gây ra. Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường của Nhật Bản, châu Âu để mở rộng thị trường xuất khẩu sau dịch. Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp DN có thêm động lực khôi phục sản xuất sau dịch" – ông Hiền chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem