TP.HCM: Học trực tuyến đã khó, kiểm tra trực tuyến sẽ như thế nào?

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 16/10/2021 15:21 PM (GMT+7)
Các trường học tại TP.HCM đang lên phương án tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I năm học 2021-2022. Đây là học kỳ đầy khó khăn, thách thức vì tất cả đều sẽ diễn ra trực tuyến.
Bình luận 0

Theo văn bản của Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn các trường THCS, THPT thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2021-2022 khi dạy học trực tuyến, các trường sẽ rà soát quy định về kiểm tra đánh giá, xây dựng và bổ sung tiêu chí kiểm tra, đánh giá, hình thức kiểm tra đánh giá trực tuyến vào quy chế kiểm tra đánh giá của nhà trường.

Hiện, các trường học tại TP.HCM đang lên phương án để kiểm tra trực tuyến giữa kỳ năm học này.

Phát huy tinh thần sáng tạo

Trao đổi với báo chí, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) -cho biết, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra giữa kỳ học kỳ I từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11. Trong đó, nhà trường giao cho giáo viên chọn thời gian và hình thức để thực hiện việc kiểm tra.

Tuy nhiên, theo thầy Phú, việc kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến sẽ triển khai theo nhiều cách để phát huy tinh thần sáng tạo của học sinh. Nhà trường không quá gay gắt để giúp học sinh thoải mái, thể hiện hết kỹ năng, tinh thần tự giác của mình.

TP.HCM: Học trực tuyến đã khó, kiểm tra trực tuyến sẽ như thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh tại TP.HCM học trực tuyến khoảng 6 tuần qua và chuẩn bị bước vào kiểm tra giữa kỳ I. Ảnh: N.L

Trong đó, nhà trường chú trọng việc kiểm tra bằng cách giao cho học sinh làm dự án. Ví dụ: Ở các môn xã hội, thầy cô có thể giao một dự án cho từng nhóm, có phân chia trách nhiệm công việc cho cả nhóm thực hiện. Với môn Khoa học tự nhiên, giáo viên giao cho học sinh xây dựng đề cương bài học, quay phim, làm bài thu hoạch các chủ đề như: trồng rau, trồng nấm, làm các món ăn...

Đối với môn Ngoại ngữ, các nhóm học sinh sẽ được thể hiện khả năng tiếng Anh của mình thông qua việc hùng biện, tranh luận. Trong đó, các nhóm được phân công hùng biện theo chủ đề, nhóm thì nói về mặt được, nhóm phản biện lại...

Ngoài ra, thầy cô cũng có thể ra đề mở để kiểm tra giữa kỳ, học sinh thoải mái tìm, đọc các kiến thức trên sách báo hay internet để nâng cao khả năng đọc hiểu.

Ngược lại, trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) lại chọn giải pháp nâng cao việc ứng dụng kỹ thuật để giám sát việc thi cử. Trong đó, học sinh được khuyến khích sử dụng hai thiết bị, một thiết bị dùng để nhận đề, scan bài làm và một thiết bị để cán bộ coi thi kiểm tra, giám sát và đối chiếu theo quy định.

Ngoài ra, thí sinh phải có mặt đúng giờ thi, nếu muộn hơn 15 phút tính từ giờ làm bài mà có lý do chính đáng (đường truyền yếu, thiết bị hỏng...) thì thí sinh được làm bài với khoảng thời gian còn lại của môn thi. Nếu muộn hơn 15 phút thì không được dự thi môn đang diễn ra và phải làm đơn xin thi bổ sung, nêu rõ lý do để nhà trường xem xét và giải quyết.

Để đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc trong quá trình kiểm tra thì cả học sinh và giám thị không được tự ý rời vị trí, không nhận cuộc gọi, tin nhắn và phải mở camera trong suốt quá trình làm bài. Bài thi phải viết bằng một loại bút, một thứ mực (trừ mực đỏ, bút chì), không đánh dấu ký hiệu hay tẩy xoá...

Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đối với những học sinh không đầy đủ thiết bị thì sẽ được kiểm tra vào những đợt sau. Nhà trường tổ chức tập huấn đầy đủ cho thầy cô, học sinh. Bên cạnh đó, học sinh còn phải viết tay một bản cam kết theo mẫu và chụp ảnh gửi lên phần mềm Ms Teams để xác nhận đã hiểu rõ quy định.

Đề mở, tại sao không?

Rất nhiều phụ huynh, học sinh tại TP.HCM cũng đang quan tâm về việc tổ chức kiểm tra giữa kỳ trong những ngày tới. Trong đó, nhiều phụ huynh cho rằng, chất lượng học trực tuyến không thể bằng học trực tiếp. Do đó, việc tổ chức kiểm tra phải làm sao để đánh giá đúng năng lực học sinh mà còn công bằng và khách quan nhất.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng lo lắng, không đồng tình nếu phải sử dụng nhiều thiết bị công nghệ phục vụ kiểm tra, bởi đây là việc bất khả thi với nhiều gia đình.

TP.HCM: Học trực tuyến đã khó, kiểm tra trực tuyến sẽ như thế nào? - Ảnh 3.

Học và thi trực tuyến đều đòi hỏi tinh thần tự giác, trung thực của học sinh. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Trao đổi với Dân Việt, anh Ngọc Tấn (ngụ Tân Bình, phụ huynh của một học sinh lớp 9) cho biết, mục đích của việc kiểm tra là đánh giá người học nắm được và vận dụng được kiến thức hay không. Do đó, việc bật camera hay không không quan trọng bằng đề bài kiểm tra như thế nào. Hơn nữa, dù bật camera cũng không thể ngăn được học sinh gian lận nếu đã cố tình.

"Tôi nghĩ, nên ra đề mở, học sinh thoải mái tìm tài liệu qua sách vở, internet. Tất nhiên, đã là đề mở thì học sinh phải hiểu bài, phải suy luận, phân tích... mới làm được bài. Ngoài ra, trong thời điểm này các trường cũng nên tổ chức cho các em thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm... làm bài báo cáo, bài thu hoạch,... để nâng cao tính tự học, tự nghiên cứu" - anh Tấn nói.

Anh Q.P (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, nếu tổ chức kiểm tra mà mỗi học sinh phải dùng 2 thiết bị có camera thì... quá khó. Đơn cử, gia đình anh có 2 con đang học lớp 10 và lớp 7, thời khóa biểu cùng học một buổi. Vì không có điều kiện, thời gian qua các con anh sử dụng điện thoại của ba mẹ để học.

"Nếu kiểm tra mà cần 2 thiết bị, thì sẽ có một đứa phải nghỉ học. Chưa kể, nếu cả hai thi chung một buổi thì... thua luôn. Thời điểm này, không phải ai cũng có điều kiện để trang bị điện thoại, laptop cho con học" - anh P. nói.

Theo T.M.H (lớp 11, trường THPT Nguyễn Du, quận 10), việc học trực tuyến đòi hỏi học sinh phải chủ động, tự giác, tự rèn luyện kỹ năng tìm tòi kiến thức để mang lại kết quả tốt nhất trong học tập. 

"Với em thì nhà trường kiểm tra theo hình thức đề đóng hay đề mở đều được, vì em nghĩ quan trọng nhất là kiến thức em học được sẽ vận dụng vào bài kiểm tra như thế nào. Ngoài ra, các thầy cô cũng nên tin tưởng vào sự thật thà, nghiêm túc của học sinh. Trong thời gian làm bài kiểm tra, chỉ cần bật camera như những tiết học trực tuyến là đủ" - H. nói.

Hướng dẫn các trường THCS, THPT thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2021-2022 của Sở GD-ĐT TP.HCM:

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập trực tuyến; qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm (được quản lý theo hệ thống), các bản báo cáo quá trình học tập của học sinh; các bài thu hoạch sau các khóa học của sinh… gọi chung là kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh.

Về nguyên tắc, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ và kiểm tra lại kết quả học tập của học sinh được thực hiện trực tiếp tại nhà trường theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ Giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ có thể được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Khi thực hiện bằng hình thức trực tuyến, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực. Việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến này cần được xây dựng thành quy trình kiểm tra, đánh giá, bao gồm đánh giá theo quá trình trực tuyến kết hợp với hình thức kiểm tra và thực hiện hồ sơ kiểm tra đánh giá theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem