Theo Tổng Công ty điện lực TP.HCM, hiện việc sử dụng điện mặt trời đang nhận được nhiều sự quan tâm và là xu hướng phát triển chung. Tuy nhiên hiện nay, so với nhiều địa phương trên cả nước, thì ĐMT ở TP.HCM phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, trong phạm vi cả nước đã đưa vào vận hành 82 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất 4.460 MWp (chiếm gần 10% tổng công suất nguồn điện hiện có của cá nước). Riêng ở TP.HCM, tính đến ngày 4/9/2019, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời chỉ mới là 45,1 MWp, đạt 1,09% tổng công suất sử dụng cực đại của TP năm 2018 (4.138,5 MW).
Mức công suất này hiện rất thấp so với tiềm năng điện mặt trời trên địa TP là 6.300 MW (theo đánh giá của World Bank). Do đó, Tổng Công ty điện lực TP.HCM kiến nghị chính quyền TP vận động người dân, doanh nghiệp ưu tiên đầu tư, sử dụng điện mặt trời.
Lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà một nhà máy trong khu công nghiệp, ở TP.HCM. Ảnh: T.L
Mặt khác, tiềm năng điện mặt trời nối lưới của 21 khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM là rất lớn (trên 1.000 MW); cần tăng cường vận động các doanh nghiệp, đơn vị trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, nhà điều hành.v.v…
Ngoài ra, việc lắp đặt điện mặt trời cũng có thể được các hộ dân, đơn vị hành chính, trường học, bệnh viện… áp dụng dễ dàng.
Theo Tổng Công ty điện lực TP.HCM, các ngân hàng nên có các ưu đãi tín dụng hỗ trợ một phần chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời đối với các doanh nghiệp, người dân…
Nếu việc đầu tư, sử dụng điện mặt trời được đẩy mạnh, sẽ góp phần khai thác đáng kể tiềm năng và nâng cao tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo trên địa bàn TP.HCM. Theo Tổng Công ty điện lực TP.HCM, TP.HCM sẽ phấn đấu đạt đến 5% tổng công suất sử dụng điện mặt trời vào năm 2020 và từ 10-15% vào năm 2025.
Ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực TP.HCM, cho biết việc đầu tư hệ thống điện mặt trời ở TP.HCM tương đối dễ dàng. Thời gian xây dựng nhanh (từ 2-3 tháng), công trình đưa vào sử dụng ngay sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư và giúp hoàn vốn rất nhanh. Thời gian tới, giá mua ĐMT, nhất là ĐMT trên mái nhà, sẽ có giá cao nhất trong các khung giá về điện mặt trời (so với điện mặt trời nối lưới, trên mặt đất, mặt hồ nước…).
"Khả năng đấu nối và vào lưới điện của các công trình điện mặt trời áp trên mái nhà cũng khá dễ dàng và thuận tiện. Hầu hết không phải đầu tư thêm đường dây truyền tải đấu nối. Chủ đầu tư có thể sử dụng được công suất phát ra ngay sau khi lắp đặt hoàn tất hệ thống”, ông Bảo cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.