TP.HCM: Kiều bào thích về dịp tết nhưng sợ... tai nạn giao thông

Phương Thảo Thứ hai, ngày 04/02/2019 08:00 AM (GMT+7)
Những ngày qua, mỗi ngày Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đón hàng nghìn lượt khách quốc tế, kiều bào về Việt Nam ăn Tết Kỷ Hợi 2019.
Bình luận 0

Không dám đi đâu xa

Gia đình bà H (quận 5) có hai người người em gái định cư và sinh sống tại Pháp mấy chục năm nay. Bà H cho biết cứ vài năm, các em lại thay phiên về Việt Nam vào dịp tết. Năm nay cả hai người em đều về Việt Nam đón tết cùng với gia đình. Vì vậy đại gia đình bà rất vui.

Gặp người em gái trở về từ Pháp của bà H, bà cho biết rất nhớ đất nước, nhớ gia đình các chị, đặc biệt là nhớ người chị gái và em gái còn ở quê hương. Vì vậy bà luôn thu xếp công việc, có thời gian là về với gia đình. Năm nào không về được vào dịp tết, ở bên Pháp bà nhớ quê cồn cào.

img

. Gia đình bà H đón thân nhân, chụp hình lưu niệm tại sân bay. Ảnh: PT

Ngày tết Việt ở bên Pháp, những người thân thuộc và cộng đồng cũng tổ chức đón tết âm lịch để nhớ phong tục quê hương nhưng tết không đủ đầy và kéo dài như ở Việt Nam. Vui nhất chỉ ở quận 13 Paris vì ở đó tập trung nhiều người Việt hơn cả. Bà rất thích tết Việt Nam, được quây quần với mọi người đón giao thừa, đi lễ chùa xin lộc, cầu may đầu năm…, những phong tục mà bên Pháp không có được.

Tuy nhiên, người em gái bà H chia sẻ về nỗi sợ hãi giao thông Việt Nam mỗi khi ra đường. Đó là tình trạng say xỉn của thanh niên trong mấy ngày tết, việc giao thông, đi lại không làm chủ tốc độ, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm, tai nạn cho người tham gia giao thông. 

“Những ngày ở Việt Nam, chúng tôi cũng muốn đi chơi đây đó, vừa du xuân vừa đi du lịch, nhưng cứ nhìn mấy vụ tai nạn nghiêm trọng hồi cuối năm mà sợ không dám đi đâu xa. Hy vọng vấn nạn tai nạn giao thông giảm bớt trong năm mới 2019 ” – một người em bà H tâm tư.

Cho con về để nhớ nguồn cội

Đó là chia sẻ của ông Hùng (quận 4). Ông Hùng trước đây công tác mấy chục năm ở nước ngoài, hiện đã về nước kinh doanh và sinh sống. Ông cho biết vì còn người cha đã già nên ông chưa thể đi Pháp sum họp với vợ con.

Các con ông sinh ra, lớn lên và học tập tại nước ngoài. Tuy nhiên, năm nào vợ con ông Hùng cũng về nước vào dịp tết.

Ông Hùng nói: "Dịp tết đến xuân về là khoảng thời gian để các gia đình đoàn tụ, nếu tết mà gia đình không được sum họp với nhau sẽ giảm ý nghĩa". Hơn nữa, ông muốn các con ông dù không sinh ra và lớn lên ở đây nhưng vẫn phải giữ tiếng nói quê hương, hiểu phong tục, tập quán, nét văn hóa nói chung và tết cổ truyền của Việt Nam. Dù con cái có ở đâu vẫn phải nhớ và hướng về nguồn cội.

img

Người cháu sung sướng gặp lại người ông đã 94 tuổi vẫn ra sân bay cùng các con cháu đón thân nhân. Ảnh: PT

Người con gái đầu của ông Hùng gần 30 tuổi. Chị cho biết năm nào chị cũng về quê ăn tết với ông nội, bố mẹ tại Việt Nam. Chị rành rẽ tiếng Việt và phong tục người Việt. Chị cho biết tết âm lịch ở bên Pháp rất bình  thường vì họ chỉ có tết dương lịch. Tết, nhưng mọi người đi làm bình thường không được nghỉ. Vì vậy chị rất thích về TP.HCM vào dịp tết vì tết Việt ấm cúng, vui vẻ.

Nói về kỳ vọng trong năm 2019, ông Hùng chia sẻ: Ông hiện đang sinh sống tại TP.HCM, gia đình ông mặc dù sống ở Pháp nhưng đã đầu tư kinh doanh tại quê hương. Vì vậy, ông Hùng mong muốn các thủ tục hành chính thuận tiện, gọn nhẹ, nhanh chóng, tạo điều kiện cho bà con kiều bào nói riêng, cho doanh nghiệp nói chung đầu tư phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy nền kinh tế thành phố và đất nước.

Hơn 10 ngày qua, hàng chục nghìn Việt kiều khắp nơi trên thế giới, khách du lịch nước ngoài về Việt Nam trong dịp tết Kỷ Hợi tăng đột biến. Cùng với đó là các gia đình, bạn bè của kiều bào tổ chức đi đón quá đông, gây nên tình trạng quá tải, các cửa ngõ vào sân bay ùn ứ, giao thông tắc nghẽn ở khu vực sân bay Tân  Sơn Nhất khiến lực lượng điều tiết giao thông, đảm bảo công tác an ninh trật tự khá vất vả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem