TP.HCM nâng “chất” kinh tế tập thể

Minh Anh Thứ hai, ngày 13/06/2022 15:22 PM (GMT+7)
Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã đóng góp tích cực phát triển kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập ở khu vực nông thôn.
Bình luận 0

Nhạy bén tìm hướng đi mới phát triển kinh tế tập thể

Thời gian qua, các HTX đã linh động, nhạy bén tìm hướng đi mới nhằm phát triển hoạt động của đơn vị. Điển hình như HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Lộc, Phước An, Mai Hoa, HTX rau an toàn Nhuận Đức; HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, HTX Cần Giờ - Tương Lai, HTX Hoa lan Huyền Thoại, HTX Bò sữa Đông Thạnh, HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn,...

Củ Chi nâng “chất” kinh tế tập thể - Ảnh 1.

Sản xuất nông sản tại HTX rau an toàn Hải Nông (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Lộc, hiện HTX sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX cung cấp sản phẩm cho các siêu thị trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai, như: Co.opmart, Big C, Aoen, Vinmart, Emart, bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn… Đồng thời, HTX tham gia chương trình bình ổn giá thị trường của Sở Công Thương phát động. Mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 300 tấn nông sản.

Ông Toản cho biết, HTX ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ sản xuất. Các thành viên cam kết sản xuất sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, thực hiện truy xuất nguồn gốc… HTX thực hiện sơ chế và đóng gói rau củ quả đúng cách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, nhờ được Sở NNPTNT TP.HCM cung cấp 300 con heo giống cụ kỵ từ Canada, HTX Chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong đã lai tạo các dòng lợn ông, bà, bố, mẹ để ra giống thương phẩm. 

Ông Trầm Quốc Thắng - Giám đốc HTX Chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong đánh giá, so với các giống trước đó, lợn giống thương phẩm này cho chất lượng rất tốt. Chương trình lợn giống này đã giúp cho HTX có được nguồn giống tốt để kinh doanh trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến bất thường.

Mặc dù "Sinh sau đẻ muộn" nhưng HTX Nông nghiệp-Thương Mại-Dịch vụ Bò sữa Đông Thạnh đã có những thành quả đáng kích lệ. Bà Võ Thị Bích Liễu, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, hiện sản lượng sữa tiêu thụ mỗi ngày của HTX hơn 4 tấn. 

Ngoài sản lượng sữa bò do các thành viên HTX cung cấp, HTX còn kết hợp với gần 70 hộ nông dân quanh vùng và lân cận để thu mua sữa bò tươi. Hiện nay, các sản phẩm của HTX sản xuất và chế biến chủ là: Yaourt (sữa chua) mang các hương vị trái cây truyền thống, sữa tươi thanh trùng nguyên chất, sữa chua nếp cẩm. Hiện tại, ngoài thị trường TP, sản phẩm HTX còn có mặt ở các thị trường, như: Nha Trang, Bình Thuận, Phan Thiết và một số tỉnh của miền Tây Nam bộ.

TP.HCM nâng “chất” kinh tế tập thể - Ảnh 3.

Nuôi tôm công nghệ cao tại HTX Cần Giờ - Tương lai (huyện Cần Giờ). (Ảnh. Trần Đáng)


Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 39 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 100 tổ hợp tác (THT) với hơn 1.700 thành viên. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển các THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực dịch vụ; khuyến khích các HTX ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị các cấp và người dân về phát triển kinh tế tập thể, triển khai các chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể…

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Trong Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ phát triển 150 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp tác xã. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể sẽ đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố là 0,5%.

TP cũng sẽ thu hút thêm 15.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 60%, còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp. Xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Bà  Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP HCM cho biết, TP sẽ tập trung phát triển các tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề nông thôn); lĩnh vực dịch vụ (thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, thủy lợi, cung cấp cây, con giống, vay vốn tín dụng...) và thực hiện chính sách cho vay vốn ưu đãi, ưu tiên giao, thuê đất, nhà xưởng, bồi dưỡng cán bộ quản lý để khuyến khích các tổ hợp tác chuyển thành hợp tác xã.

Còn đối với các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, TP khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

Phấn đấu giá trị sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao tăng hơn 2 lần so với phương thức sản xuất thông thường.

TP.HCM nâng “chất” kinh tế tập thể - Ảnh 6.

Rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi). Ảnh: Minh Anh

Khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của thành phố như: Rau, hoa, heo, bò sữa, bò thịt, thủy sản… theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, công ty, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra; tiếp tục xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện xây dựng nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ).

Phấn đấu 100% xã nông thôn mới có hợp tác xã hoạt động trên địa bàn theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem