TP.HCM: Nhiều chương trình đột phá chuyển giao công nghệ phát triển giống cây, con

Quang Sung Thứ hai, ngày 21/11/2022 19:15 PM (GMT+7)
Nhiều hoạt động được Sở NNPTNN TP.HCM triển khai như: trình diễn mô hình, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sản xuất... nhằm thực hiện hiệu quả chương trình phát triển giống cây, con trên địa bàn TP.HCM.
Bình luận 0

Thực hiện Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM, Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao đã triển khai thực hiện 13 mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao tạo sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng. 

Trong đó, Trung tâm Khuyến nông triển khai 7 mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao tạo sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng bao gồm: 2 mô hình trồng rau ăn quả ứng dụng công nghệ cao, 2 mô hình trồng rau ăn lá ứng dụng công nghệ cao, 2 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao, 1 mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao.

Chuyển giao giống mới, kỹ thuật công nghệ trong việc phát triển giống cây, con trên địa bàn TP.HCM - Ảnh 1.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đang là định hướng chính của ngành nông nghiệp TP.HCM. Trong ảnh: Mô hình trồng rau xà lách thủy canh công nghệ cao tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: QS

Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao triển khai thực hiện 6 mô hình. Cụ thể: 1 ứng dụng chế phẩm vi sinh EM với Trichoderma trong quá trình ủ phân bò và sử dụng phân bò trồng dưa lê theo hướng hữu cơ, 1 mô hình nuôi trùn quế bằng phân bò tươi với bã đậu nành và sử dụng phân trùn sản xuất rau cải ngọt theo hướng hữu cơ, 1 mô hình sản xuất phân compost từ phế phẩm nông nghiệp có bổ sung chế phẩm vi sinh, 1 mô hình sản xuất nấm chân dài (Pleurotus giganteus Berk) quy mô trang trại, 1 mô hình thủy canh hoàn lưu rau xà lách (Lactuca sativa L.), cải thìa (Brassica chinensis L.) và cải bó xôi (Spinacia oleracea L.), 1 mô hình ứng dụng cảm biến trong sản xuất rau xà lách thủy canh hoàn lưu.

Đến tháng 10/2022, UBND huyện Hóc Môn đã xây dựng 2 mô hình nuôi bò thịt lai giống ngoại (2 hộ tham gia), giai đoạn từ bò cai sữa đến 18 tháng tuổi và giai đoạn từ 18 tháng tuổi đến vỗ béo. Đồng thời, tiếp tục phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện như: mô hình trồng dưa lưới, mô hình trồng rau thủy canh, trồng rau áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, mô hình trồng nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo.

Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện 1 mô hình về chế phẩm probiotics và vắc-xin nhằm phòng bệnh xuất huyết, gan thận mủ và trắng đuôi trên cá tra nuôi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ đang chuyển giao và hỗ trợ triển khai 2 nhiệm vụ: xây dựng mô hình sản xuất lan kiếm và lan giả hạc giai đoạn vườn sản xuất, chuyển giao cho hộ dân ở huyện Củ Chi. Đồng thời xây dựng và chuyển giao mô hình nuôi thâm canh lươn đồng (Monopterus albus) không bùn, ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn (RAS) tại TP.HCM chuyển giao cho hộ dân ở huyện Bình Chánh.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 3931/KH-UBND ngày 25/11/2021, Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 của UBND thành phố, nhiều nội dung quan trọng được tập trung thực hiện.  Riêng đối với công tác khuyến nông, UBND TP.HCM định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới khuyến nông thông qua đổi mới nội dung và phương pháp tập huấn, hội thảo, huấn luyện. Qua đó, nhằm cung cấp thông tin, quảng bá giới thiệu giống mới, công nghệ mới đưa vào sản xuất. Chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ thông qua mô hình trình diễn khuyến nông hiệu quả, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem