Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị, cho biết số điểm ngập đã giảm nhiều so với năm 2008; còn 18 tuyến đường ngập do mưa và 5 tuyến đường ngập do triều cường, so với 126 điểm ngập do mưa, 95 điểm ngập do triều trong năm 2008.
TP.HCM hễ mưa là người dân lại lội bì bõm về nhà. Ảnh: TL
Tuy nhiên, tại buổi giám sát mới đây, nhiều đại biểu HĐND TP không hài lòng với việc TP đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập nhưng đường vẫn hoàn ngập.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó ban Văn hóa - Xã hội, dẫn chứng đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) đầu tư khá lớn, làm xong rồi mưa vẫn ngập vì còn phải chờ cải tạo rạch Cây Liêm. Còn ở quận 9, hai dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng nhưng ngập vẫn hoàn ngập.
Nỗi khổ của người dân TP.HCM với vấn nạn ngập. Ảnh: Dân Việt
Trong khi đó, Phó ban Đô thị của HĐND TP ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng các dự án không được kết nối đồng bộ nên khi hoàn thành đường vẫn ngập gây lãng phí ngân sách. “Khi giám sát ở quận Tân Bình thì có tình trạng hệ thống thoát nước giữa bên ngoài và bên trong sân bay Tân Sơn Nhất có sự chênh lệch nên nước mưa không thoát được”, ông Nhật cho biết.
Trình bày với Hội đồng giám sát, tân Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng cần dùng nhiều biện pháp để chống ngập và trong vài trường hợp chấp nhận đường vẫn bị ngập cục bộ nhưng sẽ không để nhà dân bị ngập.
Tân Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan: "Có thể chấp nhận ngập đường ccụ bộ, không thể để nhà dân bị ngập". Ảnh: H.V
Theo ông Võ Văn Hoan, sau gần 3 năm thực hiện chương trình giảm ngập nước, TP không còn ngập như 5-7 năm trước đây. Tuy vậy, vẫn còn một số công trình sau khi hoàn thành thì đường vẫn ngập cục bộ trong một thời gian ngắn rồi mới rút hết. Nghiêm trọng nhất là dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (quận 6 và quận Bình Tân) sau khi hoàn thành thì đường hết ngập nhưng nước lại tràn vào nhà dân.
“Chống ngập không chỉ thuần túy là nâng đường, phải dùng nhiều biện pháp tổng hợp. Có thể để ngập đường trong thời gian ngắn nhưng đồng thời không để cho nhà dân bị ngập”, ông Hoan nêu quan điểm.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ về việc chương trình giảm ngập có hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ không, ông Hoan thừa nhận nhiều khả năng “khó hoàn thành”. Hiện việc chống ngập cho các đường trục chính mới đạt 60%, các tuyến hẻm do quận, huyện quản lý đạt 85%, các tuyến đường ngập do triều đạt 45%, thấp nhất là xây dựng nhà máy xử lý nước thải mới chỉ đạt 21%.
Mưa, triều cường là nhiều khu nhà dân bị ngập lênh láng. Ảnh: TL
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đang triển khai 99 dự án và chương trình với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 32.086 tỷ đồng, bao gồm 90 dự án, 2 chương trình giải quyết ngập do mưa, 6 dự án giảm ngập nước do triều, 1 công trình kết hợp thu gom, xử lý nước thải. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư 1 dự án thu gom, xử lý nước thải từ nguồn vốn ODA; Các quận huyện làm chủ đầu tư các dự án giải quyết các tuyến hẻm ở quận huyện (13 Quận huyện; 179 tuyến). |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.