TP.HCM: Phát hiện ca nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" trong tình trạng suy hô hấp

Nguyệt Minh Thứ năm, ngày 10/10/2024 15:50 PM (GMT+7)
Mới đây, tại TP.HCM phát hiện ca nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người", bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn.
Bình luận 0

Ca nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" tại TP.HCM đã được cứu sống

Ngày 10/10, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) thông tin các bác sĩ tại đây vừa kịp cứu nữ bệnh nhân Đ.T.M.L (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" Whitmore.

 

Cứu nữ bệnh nhân 33 tuổi ở TP HCM bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người"- Ảnh 1.

Sau 7 ngày, bệnh nhân đã được cai máy thở và phục hồi gần như hoàn toàn. Ảnh: BVCC

Cụ thể, bệnh viện Gia Định cho biết chị L. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, khó thở và phải cấp cứu. Trước đó 3 ngày, chị L. đã bị sốt cao nhưng chỉ đến khám ở cơ sở y tế gần nhà. 

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp cấp do viêm phổi nặng, tổn thương phổi lan rộng tới 70% thể tích. 

Ngay sau đó, chị L. được các bác sĩ can thiệp bằng oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (VV-ECMO). Nhờ áp dụng phương pháp thông khí bảo vệ phổi và thông khí nằm sấp, sau 48 giờ, kết quả xét nghiệm cho thấy chị L. dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei – tác nhân gây bệnh Whitmore. 

Sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện, tình trạng của chị L. được cải thiện rõ rệt. Sau 7 ngày, chị đã được cai máy thở và phục hồi gần như hoàn toàn sau 14 ngày điều trị.

Sau khi trải qua cơn bạo bệnh, chị L cho biết bản thân có thói quen đi chân trần trên đất khi tập thể dục ở công viên để tăng sự nhạy cảm của chân và giúp cơ chân chắc khỏe.  Có lẽ vì thói quen này mà chị bị nhiễm vi khẩn Burkholderia pseudomallei.

Những điều cần biết về bệnh Whitmore - vi khuẩn "ăn thịt người"

Bệnh Whitmore là bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Theo ThS -BS Phó Thiên Phước (Khoa Hồi sức tim mạch - Bệnh viện Nhân dân Gia Định), bệnh Whitmore có tỉ lệ tử vong cao, ở các ca nhiễm khuẩn huyết có thể lên đến 50%, và ở các trường hợp viêm phổi nặng, nguy cơ tử vong lên tới 75%. 

Bệnh thường gặp ở các khu vực nhiệt đới như Đông Nam Á và Bắc Úc. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, mỗi năm có khoảng 20-30 bệnh nhân mắc bệnh này nhập và điều trị nội trú.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống chủ yếu trong đất ẩm, đặc biệt tìm thấy nhiều trong đất sét ở độ sâu 25-45 cm. Vi khuẩn có khả năng tồn tại trong những điều kiện môi trường khác nhau như môi trường nghèo chất dinh dưỡng hay môi trường khô hạn.

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua da bị trầy xước. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn nhưng không sử dụng đồ bảo hộ lao động phù hợp là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Ngoài ra, người mắc bệnh còn do hít phải những hạt bụi có chứa vi khuẩn hay dùng nước uống, ăn những thực phẩm có chứa vi khuẩn chưa được xử lý đúng cách. Bệnh rất hiếm khi lây truyền từ người sang người hay truyền từ động vật sang người.

Đặc biệt, bệnh Whitmore xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tần suất mắc cao nhất ở lứa tuổi từ 40-60. Nam và nữ đều có nguy cơ mắc bệnh nhưng do có điều kiện tiếp xúc với mầm bệnh nhiều hơn nên nam giới thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Bệnh hay xảy ra ở người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước như người làm ruộng, công nhân xây dựng, người làm vườn, quân nhân…

Khoảng 80% người bệnh có một hoặc nhiều bệnh nền như đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh phổi, thận mạn tính. Bệnh cũng có thể gặp ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.

Các biểu hiện khi bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người"

Các biểu hiện của bệnh như viêm phổi; nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn; nhiễm khuẩn da mô mềm: Áp xe dưới da, mụn mủ, viêm mô tế bào; áp xe đa cơ quan (áp xe gan, lách, thận, tiền liệt tuyến, tuyến mang tai, áp xe đa ổ ở mô dưới da). Những trường hợp tổn thương da dạng loét, hoại tử xuất hiện ở một hoặc nhiều nơi trên cơ thể.

Triệu chứng của bệnh có thể cấp tính như sốt cao, suy hô hấp, hạ huyết áp hoặc có biểu hiện sốt kéo dài, viêm khớp, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người. Đây là bệnh nhiễm trùng nặng, có tỷ lệ tử vong cao và một số trường hợp diễn tiến tối cấp, tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Mặc dù bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhưng có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Giai đoạn cấp, điều trị thường dùng kháng sinh đường tĩnh mạch, liều cao kéo dài liên tục ít nhất 2 tuần, có thể kéo dài đến 8 tuần tùy mức độ nặng của bệnh. Sau giai đoạn này, bệnh nhân tiếp tục dùng kháng sinh đường uống duy trì khoảng từ 3-6 tháng nữa. Những trường hợp nặng, điều trị duy trì có thể kéo dài đến 1 năm. Ngoài kháng sinh, người bệnh cần phải được điều trị các biến chứng cũng như điều trị tốt các bệnh nền, nhất là bệnh đái tháo đường.

Bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính từ trước như đái tháo đường, bệnh gan mạn bằng cách sử dụng đồ bảo hộ lao động như mang găng tay, đi ủng.

Nếu chẳng may bị vết thương, tránh để vết thương tiếp xúc với đất hoặc nước bẩn khi chưa lành hoàn toàn. Không ăn thức ăn hoặc dùng nước uống chưa qua xử lý có thể nhiễm vi khuẩn. Khi ra ngoài, cần mang khẩu trang, nhất là trong môi trường có nhiều khói bụi. Khi có những vấn đề về sức khỏe, không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn, thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem