TP.HCM: Phụ huynh lo sợ trước tình trạng gia tăng các bệnh hô hấp đối với trẻ em

Nguyệt Minh Thứ năm, ngày 10/10/2024 20:38 PM (GMT+7)
Các bệnh lý hô hấp ở trẻ em trong trường học đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong thời điểm giao mùa. Tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, số lượng trẻ em được đưa đến khám do các triệu chứng ho, sốt và viêm đường hô hấp tăng đột biến.
Bình luận 0

Phụ huynh lo lắng đưa con đi khám trước tình trạng gia tăng các bệnh hô hấp 

Đọc thông tin báo đài về các bệnh hô hấp ở trẻ thời gian gần đây, bà Nguyễn Diệu Linh (Gò Vấp) lo lắng đưa đứa cháu 3 tuổi đi khám: "Ba mẹ cháu bận đi làm nên tôi đưa đi khám. Cháu bị sốt cao, thở nhanh và biếng ăn 2 ngày nay. Vì trong lớp của cháu có một bé bị viêm phổi, tôi lo sợ bé bị lây từ bạn nên từ sáng sớm đã đưa bé đến khám".

Cũng như bà Linh, anh Trần Văn Huy (Tân Bình) phải nghỉ làm để đưa con khi khám: "Con tôi mới gần 3 tuổi, sau mấy ngày bé bị sốt mà không đỡ, tôi lo quá nên dẫn bé đi khám". 

TP.HCM: Phụ huynh lo sợ trước tình trạng gia tăng các bệnh hô hấp đối với trẻ em - Ảnh 1.

Khung cảnh khám bệnh đông đúc tại bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Nguyệt Minh

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, phòng chờ ở các cơ sở y tế luôn đông đúc, với nhiều phụ huynh lo lắng đưa con em đến khám để điều trị kịp thời trước nguy cơ bệnh nặng hơn.

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 1, tính đến ngày 6/10, số ca viêm tiểu phế quản đã tăng lên 4.693, tăng 129% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số ca viêm phổi đạt 8.176, tương đương 90,8% so với năm 2023. Không chỉ riêng Bệnh viện Nhi đồng 1, tình trạng bệnh lý hô hấp cũng diễn ra tương tự tại nhiều bệnh viện khác có khoa nhi trên địa bàn TP.HCM.

Theo hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trung bình mỗi tuần có khoảng 17.000 ca bệnh viêm hô hấp cấp tính trên toàn thành phố, với tỷ lệ trẻ em chiếm khoảng 60%. Đặc biệt, từ tháng 10 đến tháng 12, số lượng ca bệnh thường đạt mức cao, với hơn 20.000 ca/tuần vào lúc cao điểm.

Tình trạng bệnh lý hô hấp gia tăng không chỉ gây quá tải cho các bệnh viện mà còn khiến phụ huynh lo lắng về sức khỏe của con em mình. Phòng chờ tại các cơ sở y tế luôn trong tình trạng đông đúc với rất nhiều trẻ em được đưa đến khám vì các triệu chứng như ho, sốt và khó thở.

Các loại siêu vi như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adenovirus, và cúm mùa là nguyên nhân chính gây bệnh hô hấp ở trẻ em, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa. Sự thay đổi thời tiết và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của các loại vi khuẩn và virus.

Môi trường lớp học đông đúc với không gian kín cũng là yếu tố quan trọng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Trẻ em trong trường học thường xuyên tiếp xúc gần gũi, sinh hoạt chung và vui chơi cùng nhau, khiến các bệnh lý dễ dàng lây lan từ một trẻ bị bệnh sang các bạn khác.

Trẻ mắc bệnh hô hấp có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi

TP.HCM: Phụ huynh lo sợ trước tình trạng gia tăng các bệnh hô hấp đối với trẻ em - Ảnh 2.

Sở Y tế TP.HCM thông tin, phụ huynh cần cho các trẻ đến cơ sở y tế khám ngay khi có dấu hiệu viêm phổi. Ảnh: Sở Y tế

Những trẻ có khả năng mắc bệnh hô hấp nặng cần đặc biệt quan tâm như: Trẻ dưới 2 tháng tuổi; có một số bệnh lý bẩm sinh (như bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh); các bệnh lý thần kinh cơ (như bại não); suy dinh dưỡng nặng; suy giảm miễn dịch bẩm sinh; có bất thường về nhiễm sắc thể do hội chứng Down… Phụ huynh cần cho các trẻ này đến cơ sở y tế khám ngay khi có dấu hiệu viêm phổi.

Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh, viêm phổi là biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc các bệnh hô hấp. Phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng sớm của bệnh viêm phổi như: Trẻ có ho kèm thở nhanh hơn bình thường. Triệu chứng thở nhanh là dấu hiệu rất sớm để báo hiệu trẻ bị viêm phổi. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần lưu ý các dấu hiệu viêm phổi nặng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xem xét nhập viện: Thở co lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém hoặc không uống được, tím tái.

Trước tình trạng gia tăng các ca bệnh hô hấp, ngành y tế TP.HCM đã khuyến cáo các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh trong trường học. Một trong những biện pháp hàng đầu là duy trì môi trường học đường sạch sẽ, thông thoáng. Việc vệ sinh lớp học hàng ngày, đặc biệt là các khu vực trẻ thường xuyên tiếp xúc như bàn ghế, đồ chơi và cửa ra vào, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ngoài ra, việc giám sát sức khỏe trẻ em cần được tăng cường. Giáo viên và phụ huynh được khuyến khích chú ý đến các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi và đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bệnh. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng giúp trẻ hồi phục nhanh chóng và ngăn chặn bệnh lây lan cho các bạn cùng lớp.

Một số biện pháp phòng ngừa khác bao gồm tăng cường sức đề kháng cho trẻ qua chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thực phẩm giàu vitamin C, kẽm và các dưỡng chất khác sẽ giúp cơ thể trẻ chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virus. Rửa tay thường xuyên, tiêm chủng đầy đủ và giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng là những biện pháp quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem