TP.HCM rất cần có nhà hát đạt chuẩn

Hòa Bình Thứ sáu, ngày 16/09/2022 11:50 AM (GMT+7)
"Giai điệu mùa thu" – loạt chương trình mang khát vọng xây dựng thương hiệu văn hóa cho TP.HCM vẫn đang chờ đợi để được vang lên trong nhà hát đạt chuẩn, như sự công bằng cho người dân có quyền được thưởng thức nghệ thuật.
Bình luận 0

Nhà hát... không nhà

TP.HCM rất cần có nhà hát đạt chuẩn - Ảnh 1.

NSƯT Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM đánh giá rất đáng tự hào về những thành tựu của Giai điệu mùa thu

Trao đổi tại tọa đàm chiều 13/9 về âm nhạc cổ điển trong khuôn khổ Festival Giai điệu mùa thu 2022, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM đánh giá rất đáng tự hào về những thành tựu của Giai điệu mùa thu, vì thế UBND TP.HCM đã chọn Festival là một trong 19 sự kiện tiêu biểu của TP.HCM. "Chúng tôi rất tự hào vì những hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo mà Nhà hát GHNVK đã làm được" - NSƯT Thanh Thúy nói.

Trao đổi tại tọa đàm, các nghệ sĩ bày tỏ nhiều khó khăn mà nhà hát đã vấp phải, đặc biệt là trong cảnh "không nhà".

TP.HCM rất cần có nhà hát đạt chuẩn - Ảnh 2.

NSND Tạ Minh Tâm trình diễn ca khúc Tổ quốc gọi tên mình

Nhạc trưởng - NSƯT Trần Vương Thạch, nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch nhớ lại: "Vào những năm 1.900, người Pháp đã xây dựng 3 nhà hát lớn ở Hà Nội, Hải phòng và TP.HCM. Sài Gòn – TP.HCM từ năm 1990 trở về trước chưa có dàn nhạc giao hưởng hoạt động độc lập, mới chỉ có dàn nhạc thính phòng trực thuộc Nhạc viện TP. Cho đến năm 1993, TP mới ra quyết định thành lập dàn nhạc. Dàn nhạc Giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM đã hình thành và biểu diễn những buổi hòa nhạc đầu tiên tại sân khấu này. Vở cải lương đầu tiên của chúng ta cũng đã được trình diễn trên chính sân khấu này".

"Năm 1996, khi tôi về Việt Nam, dàn nhạc giao hưởng lúc đó cũng mới chỉ có hơn mười nghệ sĩ, chưa có nhạc cụ, phòng tập, trang phục… Bắt đầu từ con số không, nhà hát đã xây dựng nên dàn nhạc thính phòng, đoàn vũ kịch và bây giờ là một nhà hát có tới 3 bộ môn nghệ thuật bao gồm giao hưởng thính phòng, nhạc kịch và vũ kịch" – NSƯT Trần Vương Thạch xúc động kể lại.

"Biết bao thế hệ nghệ sĩ đã đổ mồ hôi, công sức dàn dựng, hoạt động, đến nay Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM đã ghi tên mình vào danh sách các dàn nhạc châu Á" – nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch nhấn mạnh.

TP.HCM rất cần có nhà hát đạt chuẩn - Ảnh 3.

Giọng nam trung Konstantin Brzhin (Nga) trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng của nhà hát

"Nếu có cơ hội bước vào những phòng hòa nhạc trên thế giới, thì mới hiểu là quyền thưởng thức nghệ thuật và giải trí ở mức độ cao là quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Không xây nhà hát thì chúng tôi vẫn đang là nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, nhưng ở đây là xây phòng hòa nhạc. Xây phòng hòa nhạc là xây cho khán giả. Không có phòng hòa nhạc, nghệ sĩ chúng tôi vẫn có thể biểu diễn ở các sân khấu đã có hoặc thậm chí có thể biểu diễn ngoài trời. 

TP.HCM rất cần có nhà hát đạt chuẩn - Ảnh 4.

Nhạc trưởng Lê Ha My – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch chỉ huy đêm diễn Festival Giai điệu mùa thu

Nhưng thiệt thòi là khán giả Việt không có được những không gian đạt chuẩn để thưởng thức nghệ thuật. Và nếu không có những phòng hòa nhạc đạt chuẩn thì chúng ta cũng không thể đón chào các nghệ sĩ quốc tế đến đây, và hệ quả là người dân, công chúng không có được cơ hội giao lưu với âm nhạc quốc tế" - nghệ sĩ Tăng Thành Nam nhấn mạnh.

Nhạc trưởng Lê Ha My – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch khẳng định: "Loại hình nghệ thuật nào cũng có giá trị của nó, và khi nó đã sống tới vài chục hay vài trăm năm thì chắc chắn có giá trị. Tôi khẳng định âm nhạc cổ điển có vai trò đặc biệt trong dòng chảy nghệ thuật. Rất cần đầu tư chiều sâu, từ con người, đã thấy không đơn giản để một người nghệ sĩ có thể biểu diễn trên sân khấu của loại hình này, nên nếu có được một lớp khán giả được giáo dục đào tạo sâu sắc hơn về loại hình nghệ thuật này thì chắc chắn là âm nhạc nghệ thuật sẽ có nền tảng để phát triển mạnh mẽ hơn. Thiết chế văn hóa chắc chắn là cần thiết. Cứ nhìn ra các nước xung quanh như Hàn Quốc, Nhật Bản… thì sẽ thấy điều này. Về phía trách nhiệm của nghệ sĩ, chúng tôi cần tạo ra những chương trình nghệ thuật hay, tác phẩm hấp dẫn để thu hút công chúng".

TP.HCM rất cần có nhà hát đạt chuẩn - Ảnh 5.

Giọng nam cao xuất sắc người Nga Yury Rostotsky

"Nói vui là nếu đá bóng trên sân ruộng thì tất nhiên rất khác với đá trên sân vận động đạt chuẩn. Khán giả đi xem bóng đá đầu tiên có thể không hiểu luật, nhưng đến sân xem thì sẽ có cảm xúc thật, sau đó vì không hiểu luật, bạn sẽ thấy bứt rứt vì người bên cạnh người ta lại hiểu, nên bạn sẽ tự tìm hiểu. Khán giả đã yêu thì sẽ tìm và sẽ hiểu thôi. Còn nghệ sĩ thì cần không gian chuẩn để có cơ hội tổ chức các sự kiện nghệ thuật đạt chuẩn" – nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh phân tích thêm.

Nghệ sĩ TP.HCM mong mỏi, chờ đợi một nhà hát đạt chuẩn đã rất lâu, trên bốn mươi năm rồi. Chia sẻ đồng cảm với các nghệ sĩ, NSƯT Thanh Thúy bày tỏ: "Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM đã được rà soát nằm trong số những dự án chưa thể giải ngân được, đây là dự án trọng điểm của TP, đã có rất nhiều ý kiến từ phía các anh chị nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp đã lên tiếng. Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, và nhất quán với quan điểm rằng TP.HCM rất cần xây một nhà hát đạt chuẩn, cũng như cần thêm nữa các thiết chế văn hóa xứng tầm với một đại đô thị, để có thể mang tới cho khán thính giả những sản phẩm nghệ thuật đúng tầm".

TP.HCM rất cần có nhà hát đạt chuẩn - Ảnh 6.

Nghệ sĩ Phạm Khánh Ngọc và Đào Mác trình diễn tại Giai điệu mùa thu 2022

"Người dân chúng ta có quyền bình đẳng được hưởng thụ nghệ thuật trong nhà hát đạt chuẩn, trong đó có cả các thiết bị đạt chuẩn để khán giả có thể cảm nhận chính xác những ý đồ nghệ thuật được gửi gắm. Điều đó sẽ cần cả một bộ máy vận hành, khai thác đúng mức như thế nào để không phí phạm. Đừng đặt lại vấn đề về chuyện có cần thiết hay không, và chúng ta có đủ nguồn lực và con người hay không. Hãy cùng chúng tôi lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của nghệ thuật để cùng hướng tới những giá trị văn hóa. TP đang tạm dừng dự án này để chăm lo cho đời sống người dân hậu Covid-19, nhưng lãnh đạo TP, trong đó có Sở Văn hóa Thể thao, vẫn đang nỗ lực theo đuổi dự án này".

Âm nhạc không chỉ dành cho người học nhạc

TP.HCM rất cần có nhà hát đạt chuẩn - Ảnh 7.

Đêm khai mạc Liên hoan Giai điệu mùa thu tại Nhà hát TP.HCM

Nhấn mạnh yếu tố cần được trải nghiệm âm nhạc, có mặt tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Ngọc Long – NSƯT, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho rằng: "Để đi sâu vào chuyên ngành thì phải học, học mới hát hay, đàn giỏi được, thể hiện đạt mọi ý đồ của tác giả. Còn khán giả thì không cần phải học mới hiểu được âm nhạc cổ điển. Cứ nói thế sẽ làm khán giả sợ âm nhạc cổ điển, xa lánh, không dám đến gần với âm nhạc, thì sẽ càng ít cơ hội trải nghiệm. Khán giả cứ đến nhà hát, trực tiếp thưởng thức tác phẩm, nếu có điều kiện thì tham dự thêm các tọa đàm để nghe được nhiều hơn về âm nhạc".

Với kinh nghiệm dàn dựng, chỉ huy rất nhiều vở diễn lớn và làm việc với nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, nhạc trưởng Trần Nhật Minh có ý kiến thêm: "Âm nhạc nghệ thuật là không gian chung, không dành cho riêng ai. Khán giả hãy cứ mở lòng, bước vào nhà hát và cảm nhận, nếu thích, lần sau hãy quay lại. Cải lương có khán giả của cải lương, và chúng tôi cũng có những khán giả rất trân quý những tác phẩm của giao hưởng, thính phòng, vũ kịch. 

Để dàn dựng những vở lớn như thanh xướng kịch chẳng hạn, người duy nhất phải hiểu hết vở diễn có lẽ chỉ có tôi, do đặc thù công việc. Ngay cả hàng trăm nghệ sĩ tham gia biểu diễn, nếu yêu cầu họ phải hiểu hết cũng là không thể. Còn với người thưởng thức, cứ tưởng tưởng như khi đi phượt mà không có bản đồ, đôi khi, biết đâu lại thú vị. Hãy dũng cảm dành ra một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ không lướt Facebook để bước vào nhà hát, tiếp cận và tự do thưởng thức với cảm nhận riêng của mình".

Nghệ sĩ violin Tăng Thành Nam, Phó Trưởng đoàn Giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch đưa một ví dụ nhỏ để trả lời câu hỏi âm nhạc cổ điển có khó nghe hay không: "Ngay kể cả muốn thưởng thức sự hoành tráng của một bộ phim Hollyood thì khán giả cũng cần đến rạp chứ nếu chỉ ngồi nhà xem qua màn hình đen trắng như hồi cách đây mấy chục năm thì cũng không thể thưởng thức được gì. Khán giả đến với Nhà hát sẽ được sống trong không gian thực của nghệ thuật, khác với hiệu ứng âm thanh điện tử, vẻ đẹp của âm nhạc, nghệ thuật thực sự sẽ lay động tâm hồn khán thính giả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem