Sáng 1/9, việc xét nghiệm Covid-19 cho shipper các ứng dụng công nghệ trong "vùng đỏ" gồm TP.Thủ Đức và 7 quận, huyện (quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, quận Bình Chánh, huyện Hóc Môn) được triển khai đồng bộ hơn so với ngày hôm qua.
Nhiều tài xế cho biết, các trạm y tế lưu động tại địa phương đã mở cửa từ sớm, được xét nghiệm, nhận giấy chứng nhận âm tính sau khoảng 10 phút và bật app nhận đơn.
Shipper chỉ mới giao hàng ở "vùng đỏ"
Đại diện các ứng dụng cho biết khi chính thức khôi phục hoạt động của shipper tại "vùng đỏ", đơn hàng giao dịch thành công tại các quận, huyện này đã tăng vọt. Điều này cho thấy nhu cầu thực tế của người dân rất cao.
Chị K.Hoàng (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết ngay hôm qua đã bật ứng dụng Be và giao hàng được cho người thân. Thời gian tài xế nhận đơn khá nhanh. Chị vui mừng vì shipper được hoạt động lại, chị có thể gửi hàng cũng như thực phẩm cho một số người thân cùng sống tại TP.Thủ Đức.
Dù vậy, ghi nhận thực tế cho thấy, đến nay, hầu hết các ứng dụng chỉ mới mở lại dịch vụ giao hàng, còn dịch vụ đi chợ hộ vẫn chưa được kích hoạt.
Chẳng hạn, với ứng dụng Grab, khi dùng dịch vụ đi chợ hộ (GrabMart) tại khu vực quận Bình Thạnh, ứng dụng không hiện bất kỳ cửa hàng thực phẩm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi nào. Trước đây, các điểm bán khu vực thực phẩm trên ứng dụng này rất đa dạng và phong phú.
Còn ứng dụng Be, nhiều cửa hàng như TH True Mart, Giấc mơ sữa Việt Vinamilk, G Kitchen, Meat World… vẫn hiển thị, tuy nhiên hầu như không đặt được hàng.
Anh Quang Đức (ngụ phường 1, quận Bình Thạnh) vào cửa hàng G Kitchen trên ứng dụng Be để đặt thịt heo các loại dùng cho một tuần tới. "Tôi đặt 5 lần liên tục nhưng đều không được, ứng dụng báo không có tài xế. Trong khi tôi thấy ngoài đường khá nhiều tài xế Be hoạt động. Tôi nghĩ chắc tính năng đi chợ hộ vẫn chưa được hãng mở", anh Đức nói.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cũng xác nhận đang theo dõi tiến độ triển khai cho shipper vận chuyển hàng hóa tại các "vùng đỏ", "vùng cam" theo hướng dẫn của UBND TP, chứ chưa có kế hoạch sử dụng đội ngũ này "đi chợ hộ" người dân.
Kiến nghị đi chợ hộ qua app
Hai ngày qua, nhiều người phản ánh vẫn chưa thể sử dụng các ứng dụng công nghệ để đặt thực phẩm, dù là các cửa hàng ở cùng phường, rất gần nhà vì app chưa mở lại, không tìm được tài xế.
Trước nhu cầu đi chợ hộ của người dân quá cao và kênh đi chợ hộ do lực lượng chức năng địa phương hỗ trợ bị quá tải, thời gian giao hàng chậm hơn dự kiến, ngày 31/8, Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức hỗ trợ triển khai mô hình đi chợ hộ thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến.
Sở Công Thương cho biết đã được đề xuất hỗ trợ miễn phí sử dụng nền tảng công nghệ sẵn có và bổ sung lực lượng giao hàng từ các doanh nghiệp giao hàng công nghệ và sàn thương mại điện tử.
Trong khi đó, vấn đề hiện nay là phải kịp thời bổ sung nguồn hàng, thực phẩm thiết yếu kịp đến tay người dân nên các địa phương được đề nghị nghiên cứu, xem xét mô hình phù hợp để lựa chọn kênh bổ trợ bán hàng và các kênh mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử lớn nhằm gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa cho người dân.
Sở sẽ cung cấp thông tin đầu mối các giải pháp ứng dụng đi chợ hộ của các doanh nghiệp giao hàng công nghệ, sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Be, Sendo, Grab đến UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Trên cơ sở đó, các quận huyện được đề nghị phổ biến các mô hình đi chợ hộ thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến đến các phường, xã, thị trấn, các hệ thống phân phối trên địa bàn để triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.