TP.HCM: Siêu thị, rau xanh, khổ qua, hành lá đầy ắp chờ khách mua

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 20/07/2021 17:48 PM (GMT+7)
Nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM không còn cảnh xếp hàng, đến là vào mua ngay. Rau xanh, khổ qua, hành lá đầy ắp, không còn khan hiếm.
Bình luận 0

Hết cảnh xếp hàng vào siêu thị

Ngày 20/7, ngày thứ hai 16 tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cùng với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã giãn cách từ trước đó, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng ở TP.HCM vẫn rất dồi dào, không còn cảnh "cháy" cục bộ như trước.

Đáng chú ý, cảnh xếp hàng cũng trở nên hiếm hoi ở nhiều siêu thị, khách đến là được vào mua ngay.

TP.HCM: Hết xếp hàng vào siêu thị, rau xanh, khổ qua, hành lá ê hề chờ khách mua - Ảnh 1.

Hành lá và rau mùi các loại đầy ắp chờ khách mua. Ảnh: Hồng Phúc.

Các cửa hàng thực phẩm như Satrafoods, Co.op Food, Vissan, Bách Hóa Xanh khu vực quận Bình Thạnh từ sáng đến chiều hôm nay vắng khách, đặc biệt hiếm cảnh "rồng rắn", nối đuôi nhau xếp hàng chờ vào mua sắm.

Cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường số 1 Khu dân cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) chiều cùng ngày rất thưa khách, bãi đỗ xe trống trơn, bên trong chỉ có 2-3 người lựa hàng. Rau muống, cải thìa… bên trong đầy ắp trên quầy đang chờ khách mua. Một nhân viên tại đây cũng cho biết hôm nay vắng hơn so với các ngày trước đó.

Còn siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), dù nằm trong khu vực đông dân cư và là điểm đến quen thuộc của nhiều người nhưng hôm nay cũng vắng hoe. Khu vực rau xanh cùng các mặt hàng bầu bí, mướp, khổ qua, cà chua… có sức hút nhất nhưng nhìn chung cũng chưa đến 10 khách mua sắm cùng lúc. Khu vực thịt gia súc, gia cầm cũng tương tự.

Đáng chú ý, các loại rau mùi, gừng, chanh, sả, hành, tỏi… những ngày qua khan hiếm, nay bỗng đầy ắp trên quầy kệ siêu thị, giá ổn định. Ngò gai 55.000 đồng/kg, ngò rí 65.900 đồng/kg, hành lá 50.500 đồng/kg, sả 26.000 đồng/kg…

Đã hai ngày không đi siêu thị, bà Thanh Hà (quận Phú Nhuận) ngỡ ngàng vì quá vắng. Bà đến nơi, chỉ khai báo y tế rồi vào luôn, không cần xếp hàng. 

"Cảnh này hơi lạ, chứ trước đây xếp hàng 2-3 lớp nay mua xong là ra thanh toán liền luôn do quầy thu ngân vắng khách. Thậm chí, tôi quên chưa lấy túi gạo, trở vào lấy thêm rồi ra ngay, không chờ đợi. Thực phẩm đâu có thiếu, nếu đừng ùn đi là ai cũng có mà mua, không phải chen lấn, vừa đông đúc vừa nguy hiểm nữa", bà Hà nói.

Siêu thị thay đổi, người tiêu dùng cũng thay đổi

Ghi nhận cũng cho thấy, dù các cửa hàng thực phẩm và siêu thị vắng hơn nhưng hầu hết người dân đều tranh thủ đi nhanh những mặt hàng cần thiết nhất rồi về chứ không nán lại nhiều như trước đây. Nhiều người đã lên danh sách trước những mặt hàng cần mua và ghi ra giấy để vừa tiết kiệm thời gian vừa không quên đồ lặt vặt.

Đây cũng là cách mà các siêu thị như Co.opmart, Co.op Food, Big C, Aeon… khuyến cáo khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh. Từ chỗ các siêu thị khuyến cáo, hiện nhiều bà nội trợ cho hay lên danh sách trước đã trở thành thói quen.

TP.HCM: Hết xếp hàng vào siêu thị, rau xanh, khổ qua, hành lá ê hề chờ khách mua - Ảnh 2.

Khổ qua những hôm trước khan hiếm nhưng vài ngày trở lại đây cũng ê hề, giá bình ổn 29.900 đồng/kg. Ảnh: Hồng Phúc.

Về phía các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nhiều điểm bán thuộc chuỗi Co.op Food, Hà Hiền… đều đang áp dụng hình thức đưa một số mặt hàng là rau củ quả ra bên ngoài để bán, nhằm giảm tối đa việc tập trung đông đúc trong không gian nhỏ hẹp bên trong. Với thịt gia súc, gia cầm, người mua chỉ cần nói tên, nhân viên sẽ lấy hộ và tính tiền luôn từ bên ngoài.

Đại diện Saigon Co.op cho hay trong thời gian này các siêu thị Co.opmart vẫn hoạt động đến 24h mỗi ngày, một số siêu thị khác tăng thời gian hoạt động để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Mới đây, Bách Hóa Xanh cho hay 35 cửa hàng tại các quận 5, 8, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh… sẽ hoạt động 24/24.

Theo đại diện Bách Hóa Xanh, các điểm bán này sẽ mở xuyên đêm phục vụ hàng thiết yếu như gạo, sữa, trứng, đường, dầu ăn, rau củ, trái cây. Dự kiến nếu nhu cầu tăng cao, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng mở thêm nhiều điểm phục vụ 24/24.

Thực tế, nhu cầu thực phẩm của người dân TP vẫn khá cao, tuy nhiên, gần đây, kênh phân phối đã được mở rộng hơn như thêm các điểm bán là bưu điện, nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm, xe lưu động… thay vì chỉ dồn đến siêu thị, cửa hàng thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết vài ngày qua, sức mua hàng tại TP có dấu hiệu giảm rõ rệt, nên ngành công thương có thời gian ngồi lại để sắp xếp, nâng cao năng lực cung ứng hàng hóa. Các nhà bán lẻ cũng cho rằng khi sức mua hạ nhiệt tại siêu thị, họ có nhiều thời gian hơn để tập trung giải quyết đơn hàng online.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem