TP.HCM: Trên 24.600 lượt tổ chức, hộ dân vay vốn để sản xuất nông nghiệp
Trên 24.600 lượt tổ chức, hộ dân TP.HCM vay vốn để sản xuất nông nghiệp
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 17/11/2023 13:15 PM (GMT+7)
Trong giai đoạn 2011 - 2021, đã có trên 24.600 lượt tổ chức, hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay được hỗ trợ lãi vay hơn 8.400 tỷ đồng, ngân sách đã giải ngân hỗ trợ lãi vay trên 673 tỷ đồng.
TP.HCM thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ rất sớm, từ năm 2010, TP.HCM đã đã ban hành Quyết định số 2011/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên trên địa bàn đến năm 2020, và tầm nhìn đến năm 2025.
Trong đó tập trung vào một số mục tiêu chính là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ về giống; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất giống và khu nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất được xác định đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho hay, thời gian qua, thành phố đã tập trung thực hiện chuyển dịch, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. Từ các chính sách của Trung ương và thành phố đã giúp nông nghiệp thành phố chuyển từ các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tích cực, chủ động tham gia thực hiện chính sách, hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cũng nhìn nhận, trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn có những khó khăn, bất cập đi kèm, như: Công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt các chính sách của Trung ương, của địa phương ở cơ sở còn chưa thường xuyên liên tục; một số chính sách đã ban hành nhưng chậm triển khai…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.