TP.HCM: Triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngay sau Tết
Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với đơn hàng sụt giảm, thiếu vốn, UBND TP.HCM hỗ trợ ra sao?
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 03/02/2023 10:29 AM (GMT+7)
Các doanh nghiệp tại TP.HCM đang phải đối diện với nhiều khó khăn như đơn hàng sụt giảm (nhiều ngành nghề hiện nay đơn hàng chỉ bằng 30- 40% so với cùng kỳ), tiếp cận tín dụng khó khăn...
Các doanh nghiệp tại TP.HCM đang đối diện nhiều khó khăn
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn đã khẩn trương bắt nhịp lại hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đã có hơn 95% người lao động quay trở lại các nhà máy.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại thành phố đang phải đối diện với nhiều khó khăn như đơn hàng sụt giảm (nhiều ngành nghề hiện nay đơn hàng chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ), tiếp cận về tín dụng vẫn còn khó khăn.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp xuất khẩu, xung đột vũ trang một số nơi vẫn tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Sức mua của thị trường cũng là một tác động trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu.
Để "tiếp sức" cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Sở Công Thương TP.HCM đã và đang triển khai hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung và chi phí đầu vào, định hình các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, hỗ trợ thị trường xuất khẩu đang khó khăn.
Song song đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu; cung cấp thông tin, tình hình thị trường, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng…
Trong tháng 1/2023, số doanh nghiệp thành lập mới tại TP.HCM giảm 7,07% về số lượng và giảm 38,03% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt tăng 21,05%, trong khi đó doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 31,82%.
Trước đó, theo báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2023 cho thấy sự khởi sắc của kinh tế thành phố với nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,7%, doanh thu du lịch tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp ước đạt 911,2 tỷ đồng, tăng 3,8%. Thu hút đầu tư đạt khoảng 179 triệu USD, tăng 73,8% so với cùng kỳ; trong đó có 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86,86 triệu USD, tăng 127,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, do Tết cổ truyền rơi vào thời điểm tháng 1 nên thời gian hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tháng ít hơn. Vì vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước trong tháng ước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 15% so với cùng kỳ năm trước và giảm 21,4% so với tháng 12/2022.
Trong bối cảnh đó, UBND TP.HCM đã xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm cho tháng 2. Theo đó, về nguồn lực vốn, thành phố đặt trọng tâm giải ngân vốn đầu tư công để vốn này đóng vai trò là "vốn mồi dẫn dắt đầu tư ngoài nhà nước" cho nền kinh tế, vừa kích thích tiêu dùng vừa kích thích đầu tư.
Tập trung thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2%
Về lĩnh vực tín dụng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, cho biết, ngành ngân hàng thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Với nhiệm vụ trọng tâm thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHTW và của UBND TP.HCM.
Trong đó, phối hợp thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHTW nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong năm 2023. Cụ thể là các giải pháp như: kết nối ngân hàng doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp; trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận huyện trên địa bàn.
Song song đó, thực hiện tốt các chương trình tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng tiêu dùng với gói lãi suất thấp (gói 20.000 tỷ đồng từ các công ty tài chính tiêu dùng đăng ký) nhằm đảm bảo góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.