Cơ quan chức năng TP.HCM kiểm tra nguồn gốc thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: B.D.
Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch nếu có phát sinh, không để lây lan, kéo dài. Trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch theo quy định.
Các quận huyện thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn TP; Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu không giải quyết triệt để các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát chủ động dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không khai báo kịp thời dẫn đến dịch bệnh lây lan diện rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng. Bên cạnh đó, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng…
Sở NNPTNT thôn tổ chức theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình bệnh báo cáo UBND TP. Tập trung các nguồn lực để tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các quận, huyện trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của các loại mầm bệnh để chủ động phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y phải bảo đảm các nguồn vắc xin để cung ứng đủ và kịp thời cho công tác tiêm phòng; tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá lưu hành các loại mầm bệnh để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả. Xây dựng nội dung tuyên truyền, thông tin kịp thời theo tình hình dịch bệnh cho người chăn nuôi.
Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi tập trung thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm; không nhập con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc xin theo quy định và kiểm soát tốt nguồn thức ăn, phương tiện vận chuyển ra vào trại.
Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm, nhất là tại các cửa ngõ giao thông ra vào TP. Sở Y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6 và các loại cúm gia cầm khác; hướng dẫn các quận, huyện chủ động giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm trường hợp người mắc bệnh, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan diện rộng.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh động vật đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cả nước đã có 34 ổ dịch cúm gia cầm gây ra tại 10 tỉnh/thành, 100 ổ dịch lở mồm long móng tại 9 tỉnh… gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Mới đây, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã phát hiện 2 lô hàng với 140kg thịt heo không đảm bảo an toàn thực phẩm từ Long An đưa vào 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền để tiêu thụ. Thịt heo của 2 lô hàng này có màu đỏ sậm, các hạch lâm ba sung huyết, mỡ màu hồng nhạt, thịt có mùi hôi, biến đổi màu sắc.
Cơ quan chức năng TP.HCM đã chuyển thông tin các lô hàng thịt heo trên đến Sở NN&PTNT tỉnh Long An để kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.