TP.Hồ Chí Minh: Lao động khuyết tật được trọng dụng

Thứ năm, ngày 30/06/2011 12:03 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TP.HCM nhận người khuyết tật (NKT) vào làm việc.
Bình luận 0

Theo Trung tâm Bảo trợ – dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM hiện nay, ngoài 14 DN cam kết thường xuyên thu dụng NKT, nhiều DN khác cũng có nhu cầu nhận lao động KT vào làm việc.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc Công ty TNHH may mặc Minh Châu (quận Tân Bình) cho hay: “Công ty tôi hiện sử dụng hơn 50% lao động là NKT. Tuy không có được năng suất làm việc như người bình thường nhưng nếu được bố trí công việc phù hợp với dạng tật, họ hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Mặt khác, NKT rất gắn bó với công việc, không đứng núi này trông núi nọ nên chúng tôi rất yên tâm khi nhận họ vào làm”. Để tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho NKT, công ty Minh Châu đã xây dựng khu nội trú, thiết kế nhà vệ sinh, lối đi dành riêng cho xe lăn và thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo thêm kỹ năng làm việc cho NKT.

img
Năm 2010, có 600 người khuyết tật được tuyển dụng.

Tại Công ty cổ phần May in lụa Ngọc Phước (quận 12, TP.HCM), lao động KT cũng chiếm hơn 1/3 (15 người trong tổng số 43 nhân lực của công ty). Tại đây, NKT được bao ăn ở, lương từ 1,8 triệu đồng/tháng trở lên (tùy công việc). Ngoài ra, công ty còn xây dựng trường dạy nghề cho học viên KT thực hành tại chỗ. Những học viên KT tốt nghiệp và chưa xin được việc làm, có thể làm việc tại công ty. Tương tự, các DNTN Ba Nhật (quận 6), Trung tâm Dạy nghề tư thục Bonsai Thanh Tâm (quận 12)… cũng đã thay đổi suy nghĩ về NKT và bắt đầu nhận họ vào làm việc.

Chị Thu An, một NKT hiện đang làm việc tại DNTN Ba Nhật chia sẻ kinh nghiệm: “Các bạn KT nên dành thời gian tham gia các CLB tình nguyện viên, các lớp học kỹ năng sống, kỹ năng xin việc... vì ở đó có nhiều cơ hội để tìm việc, đồng thời giúp rèn luyện sự tự tin cho bản thân để sau này khi đi làm sẽ không bị bỡ ngỡ”.

Ông Vũ Đình Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ – dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM cho rằng, nhiều NKT chưa được trang bị kỹ năng sống nên ngoại giao kém, ngại xin việc vì sợ va chạm, tổn thương. Do vậy, trước khi học nghề, NKT nên xác định rõ mục đích, khả năng và sở thích đối với công việc. Về phía DN, cần xem việc nhận lao động KT là vì hiệu quả công việc chứ không phải vì trách nhiệm xã hội hay lòng thương hại, nếu DN nhận họ vì thương hại thì NKT sẽ mặc cảm, khó làm lâu dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem